Văn hóa

Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng: Hạnh phúc là nuôi lớn được ước mơ

Nguyễn Quốc Trọng (ảnh), họa sĩ trẻ sinh năm 1982, là con thứ 6 trong gia đình có truyền thống cách mạng. Mẹ làm văn công giải phóng, thương binh 2/4; cha là bộ đội phục viên.

Nguyễn Quốc Trọng (ảnh), họa sĩ trẻ sinh năm 1982, là con thứ 6 trong gia đình có truyền thống cách mạng. Mẹ làm văn công giải phóng, thương binh 2/4; cha là bộ đội phục viên.

Anh thừa hưởng năng khiếu vẽ từ cha mình, vốn từng là họa sĩ nghiệp dư.

Nuôi nấng ước mơ

Thời chưa đi bộ đội, cha của anh kiếm sống bằng cách vẽ poster quảng cáo phim, nhưng  thời đó họa sĩ chỉ được xem qua bộ phim rồi ngồi tưởng tượng lại mà vẽ. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình Trọng theo cha về Dầu Tiếng. Tuy làm cán bộ hành chính xã, song ông và cả gia đình phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Gia đình 7 người con thì chỉ có một mình Trọng học được hết cấp III, được cha mẹ kỳ vọng sẽ nối đường binh nghiệp. Nhưng anh đã âm thầm chuẩn bị cho mình con đường riêng: học làm họa sĩ.

Thời đi học, Nguyễn Quốc Trọng không hề biết đến khái niệm “luyện thi”. Anh chỉ biết mình mê vẽ và có năng khiếu vẽ, nhưng phải giấu cha mẹ để thỏa niềm say mê. Anh thường vẽ lại những minh họa trong sách giáo khoa để học; vẽ truyện tranh cho bạn thuê để kiếm tiền mua cà rem, mua bút mực.

May mắn mỉm cười vì anh đậu vào Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, thế là khăn gói về Biên Hòa với phương châm “tự lực cánh sinh”. Nhiều năm liền, phòng trọ của anh chứa đầy tranh, tượng, đến nỗi không có chỗ ngả lưng. Nhưng anh say mê với hành trình vừa học vừa làm, vừa sáng tác của mình.

Học tập không ngừng

Một điều giúp Nguyễn Quốc Trọng “bám trụ” lại Biên Hòa suốt từ thời đi học đến nay, đó là vì mảnh đất này cho anh cơ hội thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đã làm qua 8 công ty lớn nhỏ, song Trọng gắn bó nhiều với Biti’s - một thương hiệu giày Việt mà ở đó anh học được nghề tạo mẫu, một lĩnh vực sáng tạo yêu cầu tính khoa học chính xác đến nghiêm ngặt.

Lăn lộn trong nghề 10 năm, anh đã giành được một số giải thưởng trong nước và quốc tế (giải nhì Nhà thiết kế giày Việt Nam năm 2009; vào chung kết cuộc thi thiết kế giày quốc tế tại Hong Kong năm 2010). Đồng thời, qua đó anh đã xác lập được kỷ lục đầu tiên về giày thể thao Việt Nam (giày thể thao là lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao nhất đối với cả tạo mẫu và sản xuất giày). Thành công của Bitis cũng mang đến cho Nguyễn Quốc Trọng sự tự tin và niềm tự hào để anh dấn bước, hiện anh vẫn là cộng tác viên thân thiết của công ty.

Sự đam mê và ham học đã giúp Trọng hoàn thành chương trình đại học và cao học. Đến nay, anh trở thành một người thầy đúng nghĩa khi tham gia giảng dạy ở Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi; cộng tác với Thành đoàn Biên Hòa dạy các lớp hội họa, thư pháp miễn phí và mở lớp dạy thêm ở nhà...  Anh vẫn không ngừng học hỏi, thể nghiệm các thể loại, các công cụ mới để có thêm nhiều kinh nghiệm sáng tác.

Kết nối những thành công

Năm 2012, Nguyễn Quốc Trọng được biết đến với bức họa tự “Chân dung Bác Hồ trên mành tre lớn nhất” được xác lập kỷ lục, sau đó bán đấu giá được 60 triệu đồng ủng hộ cho học sinh nghèo hiếu học. Năm 2014, anh tiếp tục lập kỷ lục với tác phẩm Chiến sĩ hải quân vẽ bằng bút sắt trên gỗ lớn nhất. Năm 2016, anh cùng với Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Đăng Ninh biên soạn và xuất bản cuốn sách ảnh Theo dấu chân Người (tập hợp hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh qua các thời kỳ). Ngoài ra, anh còn thực hiện 2 công trình điêu khắc mới: một tại Vườn tượng Văn miếu Trấn Biên và một tại Vườn tượng Chiến khu Đ. Anh cũng là một họa sĩ tích cực của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, vừa được anh em tín nhiệm bầu làm Phó ban Mỹ thuật.

Nguyễn Quốc Trọng yêu tuổi thơ vất vả, yêu nghề và say mê theo đuổi ước mơ của mình đến cùng... Anh tự ví mình như một người tập leo núi, mỗi ngày cố gắng một ít nhưng không có khái niệm “xuống núi”. Vì, theo Nguyễn Quốc Trọng: “Được sống với hội họa, có điều kiện nuôi dưỡng ước mơ của mình là một niềm hạnh phúc lớn lao. Vì vậy, tôi nghĩ mình luôn phải cố gắng vươn lên, dùng sức trẻ của mình làm việc có ích cho đời”.

Triết lý sống giản dị, nhưng đòi hỏi anh phải nỗ lực không ngừng...

Hoàng Phong

Đồng Nai

© 2021 FAP
  591,099       1/877