(ĐN)- Sáng 3-12, tại xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), nhà báo Mai Sông Bé, Giám đốc Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Nai đã tổ chức buổi họp mặt ra mắt sách: "Chim bay về núi tối rồi".
(ĐN)- Sáng 3-12, tại xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), nhà báo Mai Sông Bé, Giám đốc Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Nai đã tổ chức buổi họp mặt ra mắt sách: “Chim bay về núi tối rồi”.
Nhà báo Mai Sông Bé, Giám đốc Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Nai ký tặng sách Chim bay về núi tối rồi |
Đến dự và chúc mừng tác giả, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái chia sẻ: bên cạnh những cái cũ, tác phẩm của nhà báo Mai Sông Bé có rất nhiều chi tiết mới cuốn hút người đọc.
Bà Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh cũng cho biết, nhà báo Mai Sông Bé là một hội viên được kết nạp vào Hội Văn học - nghệ thuât tỉnh chưa lâu. Với thời gian, lịch công tác chuyên môn dày đặc, nhưng hội viên Mai Sông Bé là một trong số ít hội viên liên tục có tác phẩm mới ở nhiều thể loại: thơ, bút ký...
Cuốn sách “Chim bay về núi tối rồi” của nhà báo Mai Sông Bé được NXB Ðồng Nai ấn hành. Đây cũng là tác phẩm thứ 16 của ông được giới thiệu đến bạn đọc. Cuốn sách dày 381 trang được gói gọn trong 10 chương là tác phẩm tổng kết, đáng giá cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Mai Sông Bé với những dòng hồi ức, trải lòng, đúc kết cuộc đời của chính ông. Tác giả nhớ, kể cho người đọc những câu chuyện xảy ra trên mảnh đất quê hương, những chuyện đã, đang và sẽ xảy ra với bản thân mình trong cuộc sống gắn với người thân trong gia đình, những người hàng xóm, láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp. Ông thể hiện lòng tri ân các vị lãnh đạo, những người bạn tri kỷ, anh em nhà họ Mai, thầy cô giáo, đồng nghiệp, bạn bè.
Trong đó, điểm nhấn mà người đọc tìm thấy là câu chuyện về cuộc đời của chính tác giả: bắt đầu từ “bào thai được giữ lại” của cha mẹ ông là ông Mai Văn Trí và bà Dương Thị Qưởn. “Trong mắt người đời vào thời điểm đó, cái bào thai kia là kết quả của một mối tình vụng trộm của hai người góa bụa, một thời bị xóm làng dị nghị, đàm tiếu. Rồi cái bào thai lênh đênh từ làng quê Cù lao Rùa đến Sài Gòn, sống nhờ sự độ lượng, nhân từ trong vòng tay yêu thương của ông bà Mai Thành Phán… Cái hình hài bé nhỏ, yếu ớt ấy chính là tôi - Mai Sông Bé - Mai Sông Bé bây giờ” (trích chương II: Bào thai được giữ lại).
Chia sẻ về chính tác phẩm của mình, nhà báo Mai Sông Bé nói: “Cuốn sách của tôi thể hiện hai tình cảm lớn. Đầu tiên là niềm tự hào với người mẹ nghèo và thất học, nhưng có tấm lòng, tình yêu bao la của mình. Là niềm tin son sắc không gì lay chuyển của tôi với chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng”.
Văn Truyên