Văn hóa

Không lên tiếng là có lỗi với con cháu!

Chiều 24-11, tại Cung văn hóa lao động TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ hội môi trường mang tên "Lạc vào hoang dã".

Chiều 24-11, tại Cung văn hóa lao động TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ hội môi trường mang tên “Lạc vào hoang dã”.

MC Phan Anh kêu gọi mọi người hãy dùng trái tim để cảm nhận nỗi đau và yêu thương các loài động vật hơn - Ảnh: DUYÊN PHAN
MC Phan Anh kêu gọi mọi người hãy dùng trái tim để cảm nhận nỗi đau và yêu thương các loài động vật hơn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây là lễ hội mong muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng giới trẻ, doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp địa phương và nước ngoài về bảo vệ động vật hoang dã. Từ đó, thôi thúc bạn trẻ có tiếng nói và hành động thiết thực nhằm bảo vệ động vật hoang dã nói riêng và bảo vệ môi trường tự nhiên nói chung.

Khá nhiều nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ tình nguyện làm đại sứ thiện chí cho chương trình, như: Phan Anh, Phạm Hương, Đức Tuấn, các nghệ sĩ khách mời Trọng Hiếu, Phương Vy, nghệ sĩ múa Đỗ Hải Anh, Hà Lộc… đã đến tham gia lễ hội.

Các khách mời đã có những bày tỏ thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối với mục đích tốt đẹp mà chương trình đang hướng tới. MC Phan Anh đã gây được ấn tượng với các bạn trẻ khi có những chia sẻ cá nhân rất thuyết phục.

Phan Anh xúc động nói: “Là người bố, tôi sẽ không bao giờ trả lời được cho câu hỏi của con tôi khi chúng muốn biết về tê giác, vì ở Việt Nam tê giác đã bị tuyệt chủng, các con tôi không thể gặp được chúng trong thực tế. Tôi sẽ không đổ lỗi cho những người săn bắn, tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm, mà tội lỗi là chính tôi nếu tôi không có tiếng nói, hành động quyết liệt cùng cộng đồng để con mình sau này còn có thể được thấy, được ngắm những cá thể động vật hoang dã đặc biệt”.

Không chỉ bị tác động mạnh với những chia sẻ của người nổi tiếng, tối 24-11, hơn 1 ngàn bạn trẻ còn được sống trong những cảm xúc lúc đau đớn, lúc phẫn nộ khi xem những thước phim tư liệu về việc săn bắn, tận diệt động vật hoang dã. Những con tê giác đầu loang lổ máu, những chú voi gục ngã bên đầm nước, những con tê tê bị lột da, xẻ thịt không thương tiếc... Tất cả chỉ phục vụ cho niềm tin mơ hồ, không có căn cứ của con người về một vị thần dược nào đó.

Chua xót nhất là câu nói của người dân châu Phi được trình chiếu trong thước phim” “Tê giác sinh ra ở châu Phi nhưng bị người Trung Quốc và Việt Nam săn bắn”. Hàng loạt số liệu được đưa ra khiến nhiều người giật mình khi chỉ trong vòng vài năm, số lượng tê giác bị các tay săn bắn Việt Nam hạ gục ban đầu chỉ vài con đã tăng lên gấp 100 lần. Số lượng sừng tê giác, ngà voi được chuyển trái phép về Việt Nam bị bắt giữ được tính hàng tấn. Bao nhiêu con vật khốn khổ đã bị giết chỉ để phục vụ cho mục đích phi nhân đạo của con người?

Người Việt Nam còn rất nhiều con người yêu thiên nhiên, yêu động vật, ý thức rõ ràng về trách nhiệm phải bảo vệ, cứu lấy môi trường tự nhiên. Lễ hội được tổ chức không ngoài mục đích để cho các bạn trẻ bày tỏ quan điểm, thái độ và xác định cho bản thân những hành động thiết thực vì cuộc sống, vì môi trường tươi đẹp.

Những khẩu hiệu về tình yêu động vật được các bạn trẻ hưởng ứng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những khẩu hiệu về tình yêu động vật được các bạn trẻ hưởng ứng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cuối chương trình, Phạm Hương, Đức Tuấn và các bạn trẻ đã hô to những khẩu hiệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh: Không có người mua, không còn kẻ giết; cứu lấy đời sống hoang dã, cứu lấy cuộc sống chúng ta; đừng mua những sản phẩm từ động vật hoang dã... để gửi đi thông điệp mạnh mẽ của người dân Việt Nam đến cộng đồng quốc tế cam kết bảo vệ các loài đang bị đe dọa bởi nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép trên toàn cầu.

Lễ hội Lạc vào hoang dã do Trung tâm Change và Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WildAid phối hợp thực hiện nhằm hưởng ứng hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã (IWT) diễn ra ngày 17 và 18-11 tại Hà Nội.

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  592,371       34/1,410