Văn hóa

Văn miếu Trấn Biên: Mạch nguồn văn hóa đất phương Nam

Sáng nay 22-11, Văn miếu Trấn Biên chính thức đón bằng công nhận di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia. Đây là niềm vui lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai.

Với một bề dày lịch sử 300 năm từ khi hình thành, phát triển và 16 năm được phục dựng, Văn miếu Trấn Biên đã trở thành một mạch nguồn kết nối các giá trị văn hóa của vùng đất Trấn Biên xưa - Biên Hòa nay.

Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai biểu diễn văn nghệ tại lễ khai mạc Hội báo xuân 2016. Ảnh: Văn Truyên
Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai biểu diễn văn nghệ tại lễ khai mạc Hội báo xuân 2016. Ảnh: Văn Truyên

* Văn miếu đầu tiên của vùng đất phương Nam

Theo Gia Định thành thông chí, chỉ 17 năm sau khi Chúa Nguyễn Phúc Chu phái Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phương Nam lập nên dinh Trấn Biên năm 1698, Văn miếu Trấn Biên đã được xây dựng. Kể từ đó, thiết chế văn hóa này tiếp tục được vun đắp và khẳng định văn hóa Đại Việt trên vùng đất mới hình thành.

Trong số những sự kiện được tổ chức hàng năm tại Văn miếu Trấn Biên không thể không kể đến lễ tưởng niệm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, sự kiện này bắt đầu được thực hiện tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên vào năm 2005. Đến nay, qua 11 lần tổ chức, buổi lễ đã quy tụ được sự tham gia, chung tay góp sức của 53 ban quý tế, ban quản lý, ban tế tự các đình, đền, miếu trong TP.Biên Hòa.

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh Trần Quang Toại cho biết qua các tài liệu lịch sử, nghiên cứu của các nhà khoa học có thể khẳng định Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên, được xây dựng tại vùng đất phương Nam, trước cả văn miếu tại Gia Định và Vĩnh Long.

Nhưng tiếc thay vào năm 1861, Văn miếu Trấn Biên đã bị đốt phá. Dù vậy, hình bóng của Văn miếu Trấn Biên vẫn được lưu truyền và đọng lại trong tâm trí của người dân Đồng Nai - Nam bộ.

Thể theo ý nguyện của nhân dân, trong dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-1998), Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã giao UBND TP.Biên Hòa làm chủ đầu tư nghiên cứu phục dựng Văn miếu Trấn Biên, xem đây là một trong những công trình văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn, giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo với tính chất và nội dung mang tâm hồn, khí phách của Đồng Nai.

Học sinh Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa) sinh hoạt văn nghệ tại Vườn tượng danh nhân văn hóa Văn miếu Trấn Biên.
Học sinh Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa) sinh hoạt văn nghệ tại Vườn tượng danh nhân văn hóa Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Văn Truyên

Sau 4 năm thực hiện, đầu năm 2002, công trình phỏng dựng lại Văn miếu Trấn Biên đã hoàn thành và chính thức trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng của tỉnh. Tọa lạc trên khu đất có diện tích 2 hécta, công trình mới với nhiều hạng mục được thực hiện dựa theo các tài liệu mô phỏng trước đây là: Văn miếu môn, Nhà bia, Khuê văn các, Thiên Quang tĩnh, Đại Thành môn, Nhà bia Khổng Tử, Nhà bái đường, thảm xanh, sân đường nội bộ với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và xã hội hóa.

Phỏng dựng chứ không sao chép nguyên xi, vậy nên trên nền Văn miếu Trấn Biên vừa được xây dựng mới đã xuất hiện những điều mới mẻ so với lịch sử ghi lại trước kia. Việc làm này là nhằm phù hợp với văn hóa người Việt, và xu thế thời đại. Do vậy hiện nay ngoài tượng Khổng Tử, Văn miếu Trấn Biên còn thờ 10 vị danh nhân văn hóa lớn trong cả nước và của phương Nam. Đặc biệt, tại vị trí chính của Nhà bái đường Văn miếu thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, một danh nhân văn hóa được thế giới công nhận, người khai sáng nền văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Việc làm này rất được các tầng lớp nhân dân, trí thức, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong cả nước đồng tình.

* Nơi kết nối những giá trị văn hóa

Cùng với chức năng thờ cúng, ngưỡng vọng về các bậc tiền nhân, Văn miếu Trấn Biên ngày nay trở thành một địa điểm tôn vinh nhân tài, gương điển hình tiên tiến có đóng góp cho sự phát triển của tỉnh thông qua lễ báo công của nhiều sở, ban, ngành, trường học hàng năm.

Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên (bìa phải) đang giới thiệu với một số khách ngoại quốc đến tham quan Vườn tượng nghệ thuật trong sáng 17-11
Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên (bìa phải) đang giới thiệu với một số khách ngoại quốc đến tham quan Vườn tượng nghệ thuật trong sáng 17-11. Ảnh: Văn Truyên

Theo ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, sau ngày được phỏng dựng, Văn miếu Trấn Biên ngày càng được bổ sung thêm nhiều hạng mục mới nhằm thu hút người dân đến sinh hoạt. Trong số này phải kể đến Vườn tượng danh nhân văn hóa được khánh thành vào tháng 9-2015. Công trình được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên triển khai thực hiện. Vị trí tọa lạc của công trình nằm ở phía trước Văn miếu Trấn Biên. Kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, cá nhân và nguồn đóng góp của học sinh thông qua phong trào kế hoạch nhỏ do Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT phát động.

Sau hơn 1 năm thực hiện (từ tháng 4-2014 đến tháng 9-2015), công trình đã hoàn thành với tượng 13 vị danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam, gồm: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu và vua Lý Thái Tổ.

Trung tâm Văn miếu Trấn Biên còn đóng vai trò là “bà đỡ” cho nhiều hoạt động văn hóa truyền thống lẫn hiện đại, đến nay đã hình thành và đưa vào hoạt động thường xuyên 6 câu lạc bộ: thư pháp, đờn ca tài tử, sinh vật cảnh, ảo thuật, chim cảnh và đá. Điều này đã góp phần quy tụ những cá nhân có chung niềm đam mê vào chung một sân chơi để phục vụ tốt nhất cho cộng đồng và thỏa lòng đam mê.

Mới đây vào tháng 11-2016, Vườn tượng nghệ thuật với 26 tượng nghệ thuật của 22 tác giả đến từ nhiều vùng miền trong cả nước cũng vừa được Trung tâm Văn miếu Trấn Biên khánh thành, đón du khách tham quan. Ông Sijmen Visser, chuyên gia của Tổ chức PUM (Programma Uitzending Managers, Chương trình chuyển giao kiến thức quản lý do Chính phủ Hà Lan tài trợ) hiện đang làm việc tại Trường đại học công nghệ Đồng Nai khi đến tham quan Văn miếu Trấn Biên, chia sẻ: “Văn miếu Trấn Biên là một địa điểm mà yếu tố truyền thống, lịch sử và hiện đại cùng có sự hội tụ hài hòa. Đây là điều rất ít khi thấy được ở những nơi khác”.

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, mỗi độ xuân về Trung tâm Văn miếu Trấn Biên luôn là địa điểm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến thưởng hoa, chụp ảnh với công trình Đường hoa Trấn Biên được thực hiện vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Mỗi năm Văn miếu Trấn Biên thu hút trên 1 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đoàn công tác quốc tế; lãnh đạo các tỉnh, trí thức tiêu biểu trong cả nước.

Sông Thao

Đồng Nai

© 2021 FAP
  592,400       34/1,400