Văn hóa

Chiến khu Đ: Nguồn cảm hứng sáng tác bất tận

Trong kháng chiến, Chiến khu Đ với Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ, Địa đạo Suối Linh... là những địa danh đã gắn liền với chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày nay, những địa danh này trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ sáng tạo.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, khen thưởng các văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai - nơi gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, khen thưởng các văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai - nơi gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên.

Chiến khu Đ với những địa danh lịch sử đã có mặt trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn xuôi, thơ ca, nhạc, họa, cải lương, đờn ca tài tử đến điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt gắn với 2 nguồn tư tưởng chính: một là, sự hoài niệm, tưởng nhớ, lòng tự hào với truyền thống vẻ vang; hai là, đưa ra lời nhắc nhở mọi người cùng thể hiện trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di tích, cư xử có văn hóa với môi trường.

Góp phần nâng cao niềm tự hào

...Sốt rét, bom pháo thù không ngăn được bước xung phong

Mã Đà, Chiến khu Đ suốt cuộc trường chinh kháng chiến.

Trong tán lá, rừng cây có anh linh người liệt sĩ

Trao thế hệ hôm nay trọn vẹn bờ cõi sơn hà.

Đó là những dòng cảm xúc của tác giả Đăng Minh - một du khách thường xuyên đến tham quan tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Trong mỗi chuyến du lịch đến Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông, thăm từng con suối, thắp hương tri ân tại miếu thờ anh hùng liệt sĩ... Để rồi sau một thời gian, những dòng cảm xúc mang nặng lòng thành kính, tự hào đối với cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua mọi gian khổ, với rừng xanh từng che chở bộ đội trong suốt những năm kháng chiến đã được kết tụ trong bài vọng cổ 6 câu có tựa đề Về với nguồn xưa.

Riêng với nhà văn Phan Trung Thành, những cảm xúc tự hào với vùng đất, với những con người làm nên huyền thoại tại địa danh này trong thời kỳ kháng chiến được thể hiện qua trang viết trong bài bút ký Thiên đường ngay dưới chân. Lời văn là sự khẳng định về niềm tự hào của một người nghệ sĩ trước những câu chuyện lịch sử của dân tộc: “Lịch sử cách mạng miền Nam gắn liền với những khu căn cứ mà chỉ có rừng tự nhiên của vùng Đông Nam bộ mới tựu đủ các yếu tố cần thiết trong chiến lược quân sự hình thành và phát triển. Trung ương Cục miền Nam khởi đầu hình thành và chọn nơi này làm trụ sở, mặc dù chỉ hoạt động trong vài năm, từ 1961-1962 sau đó chuyển sang Tây Ninh nhưng căn cứ quan trọng này vẫn tiếp tục tồn tại để  làm chỗ dừng chân cho nhiều cơ quan quân sự, hậu cần của Khu ủy miền Đông...”.

Còn với nhà điêu khắc Dương Đình Chiến, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật An Giang, khi đến thăm Chiến Khu Đ ông cũng đã tìm được nguồn cảm hứng sáng tạo cho riêng mình với tác phẩm điêu khắc Ánh sáng từ lòng đất hiện đang được đặt tại Vườn tượng nghệ thuật Chiến khu Đ cùng với 60 tác phẩm khác.

Nhà điêu khắc Dương Đình Chiến chia sẻ trong chuyến tham quan thực tế tại Chiến khu Đ, khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh địa đạo, được nghe những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng trong thời kháng chiến khiến một cựu chiến binh như ông vô cùng xúc động. Từ nỗi niềm này, nhà điêu khắc Dương Đình Chiến đã thực hiện tác phẩm điêu khắc Ánh sáng từ lòng đất. Tác phẩm là hình ảnh 2 người đồng đội, người lành lặn đang cõng người bị thương di chuyển từ hầm địa đạo về bệnh xá. Ông còn thực hiện bảng phác thảo tác phẩm Hoa của đất, cũng đang được trưng bày tại Vườn tượng nghệ thuật Chiến khu Đ.

Với nhà văn Bùi Quang Tú, người từng có thời gian gắn bó với Chiến khu Đ trong những năm tháng chiến tranh thì hình ảnh “rừng dang rộng cánh tay, lấy thân mình che chở cho người kháng chiến” luôn nằm sâu trong ký ức và mỗi lần về với chốn xưa cảm xúc của nhà văn lại có dịp tuôn trào. Để rồi sau đó những hình ảnh của ngày xưa với căn cứ, cảnh sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ tự tìm về và được ông khắc họa chân thật, đậm nét trong bút ký Ký ức về rừng: “Dưới tán rừng là căn cứ của bộ đội, cán bộ. Những mái nhà rợp lá trung quân, bốn bè trống hoác. Trong nhà là võng và giường bằng gỗ hay sạp nứa... Hầm hào chi chít xung quanh. Thấp thoáng bóng người quần áo bà ba, quân phục màu xanh đi dưới tán rừng, dọc theo lối mòn...”.

Chung sức quảng bá


Nhằm giới thiệu đến công chúng những sáng tác văn học nghệ thuật về Chiến khu Đ, vừa qua Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã phối hợp cùng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho ra mắt sách tuyển tập tác phẩm văn học nghệ thuật Tiếng rừng. Ngoài ra, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn cho ra mắt cuốn sách Ấn tượng Chiến khu Đ, tập 1, chủ đề: Văn hóa - lịch sử.

Bên cạnh những tác phẩm thể hiện hoài niệm, tưởng nhớ, lòng tự hào với truyền thống vẻ vang còn có những sáng tác phản ánh một góc độ rất khác đó là mời gọi bạn bè khắp nơi về thăm lại chiến trường xưa với bao chuyện kể đã trở thành huyền thoại để một lần “nghe rừng xanh kể chuyện”, để cùng chung tay bảo vệ di tích, chiến khu xưa.

Với nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, sau Biển Đông thì Chiến khu Đ, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai là một tình yêu nữa để ông cho ra đời những khúc ca dâng đời. Trong đó, phải kể đến ca khúc Tiếng rừng cho người nghe cảm giác nơi chiến khu xưa tình yêu lứa đôi như đang hòa quyện tình yêu thiên nhiên, núi rừng: Em lạc vào rừng/ Rừng nhuộm em xanh/Rừng lạc vào anh/ Anh hát tình ca...

Hay với nhạc sĩ Lệ Hằng, những tiếng động lao xao của cành lá, tiếng chim muôn cất tiếng, dòng thác cuộn chảy cũng làm tâm trí người nghệ sĩ lay động, tạo nên cảm giác một bản hòa ca nơi đang chờ con người đến, khám phá, thưởng thức tại vùng đất xưa kia là căn cứ kháng chiến: Những nốt nhạc long lanh vuốt ve những chồi non/ Những cung bậc Trị An âm vang khúc tình ca/Bạt ngàn rừng xanh, cùng tiếng chim ca hòa cùng thiên nhiên nhịp sống sôi động...

Đó chỉ là số ít trong vô vàn tác phẩm viết về Chiến khu Đ, và trong thời gian tới chắc chắn danh sách này sẽ còn nối dài như lời chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Văn học nghê thuật Đồng Nai: “Chiến khu Đ là nguồn cảm hứng bất tận để người nghệ sĩ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm văn học nghệ thuật”.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  591,310       1/879