Các rạp phim trên toàn quốc đang công chiếu bộ phim La la land (tựa phim tại Việt Nam là Những kẻ khờ mộng mơ).
Các rạp phim trên toàn quốc đang công chiếu bộ phim La la land (tựa phim tại Việt Nam là Những kẻ khờ mộng mơ). Có vẻ như đã lâu, người xem mới được thưởng thức một bộ phim nhiều cảm xúc và bắt gặp tuổi trẻ của mình đâu đó…
Cảnh trong phim La la land. |
Hai nhân vật trung tâm là Sebastian (Ryan Gosling đóng) và Mia (Emma Stone). Anh chàng Sebastian mê mẩn thứ nhạc Jazz mà bị người ta cho là… cổ lỗ sĩ, khó nghe và chỉ dành cho những người già. Trong khi đó, cô nàng Mia bỏ trường luật chỉ vì muốn đeo đuổi giấc mơ làm diễn viên thuở bé.
Cả hai người trẻ mộng mơ bị người ngoài nhìn như những… kẻ hâm! Mia đi thử vai hàng trăm lần mà vẫn thất bại. Vậy mà cô cứ lầm lũi hoài trong tiệm cà phê gần một phim trường lớn để có cơ hội nhìn ngắm giấc mơ, nuôi lớn giấc mơ. Còn Sebastian cứ trôi hoài trong thứ nhạc nhiều suy tưởng, nhưng rồi những tờ hóa đơn thanh toán điện, nước, tiền nhà, buộc anh phải chấp nhận đánh đàn piano trong một nhà hàng với những bài hát nhạt nhẽo như thực đơn lên sẵn.
Họ sống mòn trong những khao khát của mình. Không ai bên cạnh để cho họ niềm tin về những hoài bão. Rồi hai kẻ mộng mơ bất ngờ chạm vào nhau. Kiểu chạm vào như thể sẽ nảy tưng ra vì Mia cực kỳ ghét nhạc Jazz. Vậy mà như định mệnh, những va chạm ban đầu có vẻ là một cú xô khá sốc để họ khám phá, tìm hiểu và chợt nhận ra họ thật đồng cảm và đồng điệu.
Họ tâm sự, chia sẻ với nhau về những ước mơ của mình. Chính đam mê chân thành dòng nhạc Jazz của Sebastian đã chiếu những tia sáng lung linh và khiến Mia nhìn ra sự tuyệt vời của Jazz. Sebastian nói say sưa về Jazz. Và quả thật, khi Mia lắng nghe, ngấm và hiểu thì cô bắt đầu yêu Jazz và vì thế cô có đủ lý do để động viên, ủng hộ Sebastian theo đuổi dòng nhạc mà không ít người cho đó là sự hão huyền.
Trong khi Mia bị Sebastian “thu phục” và bắt đầu nghiện Jazz, thì anh cũng nhìn ra vấn đề trong giấc mơ mà Mia đang bắt đầu mòn mỏi. Những cuộc thử vai, những cái nhìn lạnh lùng và sự thiếu tận tậm của các nhà sản xuất để nhận ra năng khiếu của ai đó khiến Mia ngày càng ức chế. Thế nhưng, Sebastian bất ngờ đưa ra đề nghị: “Sao em không làm cuộc lịch sử? Sao không tự viết nhân vật nào đó mà mình yêu thích và tự thể hiện. Đâu cần phải để cuộc đời của mình cho người khác quyết định!”. Sự táo bạo trong suy nghĩ của Sebastian đã giúp Mia tìm được cánh cửa để đi vào giấc mơ...
Mộng mơ, tưởng nhẹ nhàng thế thôi nhưng hóa ra quá nhọc nhằn. Bởi thực tế không đơn giản để ta có thể sống với những giấc mơ riêng, nhất là những giấc mơ đặc biệt không thuộc về số đông. Khi tình yêu với Mia đủ lớn, Sebastian chợt nhận ra rằng mình phải hy sinh để Mia có cơ hội thực hiện giấc mơ riêng của mình. Một giấc mơ về đêm diễn độc thoại. Không ai trả tiền cho mình làm điều đó, mình phải tự thuê nhà hát, phải lo mọi thứ cho một buổi biểu diễn tốn kém. Vậy là một lần nữa, Sebastian thỏa hiệp với một ban nhạc, tạm gác giấc mơ Jazz để đến với những âm thanh náo nhiệt mà nhiều lúc anh cảm thấy lạc lõng trong đó. Khi những chuyến lưu diễn triền miên diễn ra thì Sebastian và Mia bắt đầu có những mâu thuẫn. Họ tranh cãi về chuyện người kia xao lãng giấc mơ… Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, mâu thuẫn đó nhiều khi không có hồi kết nếu họ không tìm ra lối thoát…
Rồi cũng đến ngày Mia được độc diễn ở một khán phòng ấm cúng. Kết thúc buổi diễn, khi đèn bật sáng cũng là lúc cô chết lặng khi nhìn thấy chỉ vài người lác đác trong khán phòng. Cô suy sụp và hết sức hoang mang. Sự lựa chọn của mình có đúng đắn? Là nghệ sĩ biểu diễn, tại sao khán giả không thích mình?... Chính Sebastian, là Sebastian chứ không ai khác đã hét lên rằng: “Tại sao em phải lo sợ người ta có thích hay không? Phải có niềm tin vào chính giấc mơ của mình. Tại sao phải chiều theo số đông?”.
Công bằng mà nói, La la land không phải là bộ phim quá xuất sắc, nhưng vấn đề đặt ra gợi cho người ta nhiều suy nghĩ. Ai đó sẽ nhìn thấy mình trong đó, nhìn thấy những giấc mơ thời trẻ trôi qua trong nuối tiếc. Ai dám quyết liệt để theo đuổi giấc mơ đến cùng? Bạn sẽ là kẻ mộng mơ hay sẽ bị người khác nhìn như… bọn hâm? Những xao xuyến, một nỗi buồn man mác khi rời khỏi rạp chiếu là có thật, dai dẳng, ám ảnh… Con người ai cũng chỉ có một cuộc đời. Có những thời khắc trôi qua rồi không quay lại được. Có những hoài bão, mộng mơ thời trẻ cứ dở dang vì mình không quyết liệt, vì ngại khó khăn, ngại người khác chê cười. Nếu mình tự tin vào khả năng của mình, hãy cứ mộng mơ đi, tuổi trẻ không chờ đợi ai…
Trí Trọng