Kinh tế

Huyện chiến khu đón nông thôn mới

Vĩnh Cửu là huyện truyền thống cách mạng, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, gian khổ. Nhưng địa phương đã về đích sớm hơn kế hoạch đề ra vì đến tháng 6-2017, toàn bộ 11/11 xã của huyện Vĩnh Cửu đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Cây xoài góp phần mang lại sự trù phú cho xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Trong ảnh: Người dân thu hoạch xoài tại xã Mã Đà.
Cây xoài góp phần mang lại sự trù phú cho xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Trong ảnh: Người dân thu hoạch xoài tại xã Mã Đà.

Vĩnh Cửu được xem là “lá phổi” của tỉnh Đồng Nai vì giàu nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên nước để phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn... Theo đó, sản xuất nông nghiệp sạch gắn với du lịch xanh là thế mạnh được địa phương chú trọng khai thác trong xây dựng nông thôn mới.

* Trở thành nơi “đất lành”...

Vùng chiến khu xưa từng được xem là “vùng đất chết” với rất nhiều xã nghèo, đất đai cằn cỗi. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá đã trở thành nơi đất lành để người dân tứ xứ về lập nghiệp.

Vĩnh Cửu là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của Đồng Nai với nhiều hình thức đa dạng như: nuôi ao 805 hécta, 32 hécta với 142 lồng bè trên hồ Trị An... Năm 2017, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 110 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng nhanh qua từng năm. Việc định hướng phát triển các tuyến du lịch sinh thái trên hồ sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành thủy sản.

Trong đó, xã Mã Đà suốt bao năm dài gắn liền với tên gọi “xã 4 không” vì đa số các hộ dân trong xã đều là người nhập cư nghèo không hộ khẩu, không đất đai... Nhờ các chương trình chuyển đổi cây trồng, người dân ở xã nghèo này mới dần thay đổi cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Phượng, thành viên Hợp tác xã dịch vụ thương mại 481 Mã Đà, chia sẻ: “Xưa, vùng này chỉ trồng cây hàng năm và vườn tạp nên thu nhập rất thấp. Dần dần cây xoài được nhân rộng và hiện đã phát triển được gần 2 ngàn hécta. Hợp tác xã được thành lập thu hút nhiều xã viên trẻ, năng động tham gia với mong muốn xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để có đầu ra thật sự bền vững cho nông dân”.

Những xã khó khăn, vùng sâu khác trên địa bàn huyện cũng đang từng ngày thay da đổi thịt. Tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn huyện bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt gần 8% và năm 2017 đạt trên 8%. Trong đó, sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Có được kết quả trên là nhờ địa phương đã tập trung phát triển các loại cây chủ lực theo định hướng quy mô hàng hóa lớn, đạt chuẩn an toàn như: phát triển 2.800 hécta xoài, trên 1.100 hécta cây bưởi, cây có múi... Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 122 triệu đồng/hécta. Đặc biệt, một số loại cây trồng cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hécta. Thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh theo từng năm và hiện đạt trên 56 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2,7 lần so với năm 2011.

Địa phương cũng chú trọng phát triển đều các tiêu chí nông thôn mới như: văn hóa, y tế, giáo dục...

Bà Nguyễn Thị Ánh Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Mây (xã Vĩnh Tân), cho biết: “Trường được đầu tư về phòng ốc, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn, tạo điều kiện học hành tốt nhất cho hơn 1.300 học sinh. Từ nguồn vận động xã hội hóa, nhà trường đã đầu tư được khu hồ bơi hiện đại cho học sinh học ngoại khóa với chi phí rẻ”.

Đến nay, toàn huyện đã xây dựng, nâng cấp và sửa chữa 50 công trình trường học. Các xã đều có trường học đủ các cấp học; không còn phòng học tạm bợ, lớp học ca 3...

* ... và Nông nghiệp sạch - du lịch xanh

Về khảo sát kết quả xây dựng nông thôn mới tại huyện Vĩnh Cửu, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, đánh giá: “Tôi thật sự ấn tượng về sự đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường nông thôn sạch - đẹp của huyện mà không để nợ xây dựng cơ bản. Vĩnh Cửu cũng đã phát triển đúng hướng và cần tiếp tục nhân rộng mô hình nông thôn mới sinh thái, sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản bằng uy tín chất lượng...”.

Vùng bưởi Tân Triều được huyện Vĩnh Củu quy hoạch thành vùng đặc sản an toàn để phát triển du lịch sinh thái.
Vùng bưởi Tân Triều được huyện Vĩnh Củu quy hoạch thành vùng đặc sản an toàn để phát triển du lịch sinh thái.

Ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, chia sẻ: “Thủ tướng đã phê duyệt khu lòng hồ Trị An phát triển du lịch quốc gia. Địa phương đang tập trung thu hút đầu tư, quy hoạch phát triển theo định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp sạch. Trong đó, các vùng chuyên canh cây đặc sản có múi như làng bưởi Tân Triều; làng nuôi hươu, nai Hiếu Liêm lâu nay được thị trường biết tiếng là thế mạnh địa phương sẽ đưa vào khai thác”.

Huyện cũng không thiếu những vùng trái cây đặc sản trù phú, nổi tiếng xa gần về thương hiệu trái ngon. Từ năm 2006, thương hiệu bưởi Biên Hòa - đặc sản Tân Triều đã có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi đường lá cam và bưởi ổi. Huyện đã xây dựng được 2 vùng sản xuất cây chủ lực theo chuẩn VietGAP gồm: sản xuất bưởi VietGAP tại xã Tân Bình, vùng xoài Phú Lý. Và những vùng trái cây đặc sản, an toàn này đều là điểm hẹn lý tưởng cho du khách thích miệt vườn. 

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,988,442       10/869