Kinh tế

Phát triển logistics: không thể chần chừ

Sáng 16-4 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Chủ trì tại đầu cầu Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh.

Bốc dỡ hàng tại ICT Tân Cảng - Nhơn Trạch. Ảnh: Khắc Giới
Bốc dỡ hàng tại ICT Tân Cảng - Nhơn Trạch. Ảnh: Khắc Giới

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.

* Chi phí cao

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chi phí cho dịch vụ logistics Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh dù chúng ta đã có tiến bộ nhất định trong việc đầu tư vào hạ tầng giao thông. Việt Nam xuất khẩu 250 tỷ USD, mong muốn vươn đến xuất khẩu lên đến 500 tỷ USD trong tương lai. Việt Nam đã tham gia vào những hiệp định thương mại lớn, việc xuất khẩu tăng cũng như mở rộng thị trường thì dịch vụ logistics càng trở nên quan trọng”.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Trong khi đó, chi phí logistics ở một số quốc gia trong khu vực như: Thái Lan 19%, Trung Quốc 13% và Malaysia 13%.

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, cho rằng cần phải nhìn nhận lại sự phát triển logistics hiện nay để có phương án đầu tư hạ tầng cho hiệu quả. Hiện tại, cơ cấu xuất khẩu đã khác cách đây 10 năm về trước, xuất khẩu thô của Việt Nam đã giảm, ngành nông sản tăng mạnh nên cần có hướng phát triển hình thức giao nhận đa phương thức.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông - vận tải, vận chuyển hàng hóa hiện nay chủ yếu bằng đường bộ, trong khi đó đường sắt, đặc biệt là đường thủy chi phí khá thấp nhưng chưa được chú trọng đầu tư. Tình trạng kết nối giữa các hệ thống giao thông cũng không đồng bộ khiến việc kết nối các loại hình vận chuyển không gặp nhau.

Những bất cập dẫn đến chi phí logistics ở Việt Nam cao được chuyên gia kinh tế TS.Nguyễn Đình Cung chỉ ra như còn hàng trăm phiền phức trong thủ tục hành chính góp phần làm tăng chi phí dịch vụ logistics chứ không riêng nguyên nhân quá tải giao thông. Theo ông Cung, chỉ cần thay đổi thái độ phục vụ của công chức các cơ quan chức năng như: hải quan, thuế… sẽ làm giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

* Cần thực hiện ngay

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lời của chính trị gia Benjamin Franklin, một trong 7 nhà lập quốc nổi tiếng của Hoa Kỳ: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”. Thủ tướng cho rằng tình trạng chi phí lớn của logistics hiện nay ảnh hưởng rất mạnh đến nền kinh tế của đất nước. Vì thế, tất cả các bộ, ngành, các địa phương phải nhận thức đầy đủ hơn và thực hiện tốt hơn trong việc phát triển logistics bởi đây là điểm nghẽn của thương mại; giải quyết tốt sẽ tiết kiệm được chi phí, tăng giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, Bộ Giao thông - vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng báo cáo tổng hợp về các giải pháp giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông; giảm ngay những thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết. Bộ Công thương xây dựng về giải pháp phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics. Bộ Kế hoạch - đầu tư xây dựng các giải pháp tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực logistics. Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp giảm chi phí logistics liên quan đến thủ tục hải quan, các quy định về thuế để hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp vận tải. Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng các giải pháp liên quan đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá chi phí trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Tất cả sớm thực hiện báo cáo để Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị phát triển lĩnh vực logistics trong thời gian tới.

Ngay sau hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn rà soát lại các dự án phát triển hệ thống kho, cảng, dịch vụ logistics và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4-2018.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,993,349       1/876