Kinh tế

Thu giá không dừng: Vẫn còn dè dặt

Việc thu giá (trước đây gọi là thu phí) dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng là một chủ trương lớn của Chính phủ để nâng cao tính công khai, minh bạch trong thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, giảm ùn tắc giao thông và tiết kiệm chi phí về nhân công, thời gian lưu thông, giảm thanh toán tiền mặt...

Một làn thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại Trạm thu phí cầu Đồng Nai.
Một làn thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại Trạm thu phí cầu Đồng Nai.

Tại Đồng Nai, việc thu giá không dừng đã được triển khai ở Trạm thu phí cầu Đồng Nai, nằm trong giai đoạn 1 của các dự án thu giá không dừng áp dụng với 28 trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên). Qua hơn 2 tháng triển khai, người dân lẫn doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá dè dặt với phương thức này.

* Lưu lượng xe sử dụng chưa cao

Theo Quyết định số 07/2017 và Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ về thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, chậm nhất đến ngày 31-12-2019, các nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá đang vận hành để thực hiện thu giá không dừng.

Theo Tổng cục đường bộ Việt Nam, hiện nay có 22/88 trạm thu giá trên toàn quốc đã được triển khai lắp đặt thiết bị thu giá tự động không dừng (thẻ e-tag). Hơn 520 ngàn xe trong tổng số 3,1 triệu xe ô tô trên cả nước đã được lắp thiết bị này.

Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai, cho biết Trạm thu phí cầu Đồng Nai hiện có 16 làn thu phí, trong đó có 2 làn thu giá tự động không dừng (1 làn đi, 1 làn về) được triển khai từ đầu tháng 2-2018 theo hợp đồng với Công ty TNHH thu phí tự động VETC. Nhìn chung, lượng phương tiện dán thẻ khá đông nhưng lượng phương tiện kích hoạt thẻ để thanh toán khi qua trạm còn ít. Theo thống kê, trong tháng 2-2018, lượng phương tiện đã kích hoạt, nạp tiền thẻ e-tag (gắn trên kính xe, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe) chỉ chiếm 17,5% lượng phương tiện đi qua 2 làn thu giá không dừng của VETC. Vào tháng 3 vừa qua, có 24% phương tiện của 2 làn nói trên đã kích hoạt, nạp tiền thẻ e-tag.

Quan sát tại 2 làn thu giá tự động không dừng VETC ở Trạm thu phí cầu Đồng Nai cho thấy xe không dán thẻ e-tag hoặc xe dán thẻ nhưng chưa nạp tiền vào thẻ e-tag hiện vẫn đi vào làn này và thanh toán bằng phương thức truyền thống. Nhiều phương tiện đã kích hoạt, nạp tiền vào thẻ e-tag khi vào làn thu giá không dừng nhưng vẫn phải... dừng để chờ các phương tiện khác mua vé. Vào cao điểm, khi lưu lượng xe qua trạm quá đông có xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ.

Theo ông Trần Như Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO, trạm thu phí tuyến tránh TP.Biên Hòa (huyện Trảng Bom) đã nghiên cứu các phương án triển khai hình thức thu giá không dừng theo đúng lộ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Hoàng còn băn khoăn về việc thống nhất với ngân hàng về nguồn vốn; thỏa thuận các chi phí quản lý, nguồn thu giữa các nhà đầu tư BOT và bên cung cấp dịch vụ; cũng như các chi phí lắp đặt thiết bị của làn thu phí không dừng...

Ngoài ra, theo nhiều doanh nghiệp vận tải sở hữu nhiều xe, việc nộp trước số tiền lớn khi thanh toán bằng thẻ e-tag khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải công cộng cũng có ý kiến về triển khai các làn thu giá không dừng một cách đồng bộ, phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ - vận tải Thống Nhất (huyện Trảng Bom), cho biết từ đầu tháng 2-2018, hợp tác xã đã thí điểm sử dụng thẻ e-tag thu giá không dừng trên 10 xe buýt của tuyến 602 khi qua Trạm thu phí cầu Đồng Nai.

“Qua thời gian đầu triển khai, thấy phương thức này là cần thiết. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 2 làn không dừng nên còn xảy ra tình trạng ùn ứ. Điều này dễ gây ra tình trạng chậm giờ của xe buýt. Do đó, trong khi chờ đợi Trạm thu phí cầu Đồng Nai có thêm các làn không dừng, giảm ùn ứ, hợp tác xã đã quay trở lại với hình thức mua vé qua trạm bằng vé quý như trước đây” - ông Thiện cho hay.

Ông Xuân Sơn (ngụ xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Tôi đã dán thẻ e-tag cho xe tải của mình được hơn 1 tháng nay. Tuy nhiên, khi qua Trạm thu phí cầu Đồng Nai thấy vẫn còn tình trạng xe dừng mua vé ở làn thu giá không dừng nên tôi thấy phương thức chưa tiến hành đồng bộ. Do đó, tôi vẫn chưa thanh toán bằng thẻ e-tag này”.

* Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, định hướng đến sau năm 2020 ở mỗi trạm thu giá phải có 4 làn thu giá không dừng (2 đi, 2 về) và vẫn sẽ có một số làn thu giá trực tiếp bằng tiền mặt như hiện nay. Trong giai đoạn 2 của dự án triển khai thu giá không dừng, đến nay có 4 nhà đầu tư đã tham gia hồ sơ đấu thầu.

Xe đã dán thẻ, nạp tiền thẻ e-tag qua trạm thu phí cầu Đồng Nai tại làn thu giá tự động không dừng. (Ảnh: Hải Quân)
Xe đã dán thẻ, nạp tiền thẻ e-tag qua trạm thu phí cầu Đồng Nai tại làn thu giá tự động không dừng. (Ảnh: Hải Quân)

“Theo lộ trình, các trạm thu phí sẽ phải áp dụng công nghệ thu giá thống nhất qua thẻ e-tag. Mục đích để trên mỗi xe chỉ có một loại thẻ định danh nhưng đi qua được tất cả trạm thu giá trên toàn quốc. Công tác tuyên truyền cho người dân, chủ doanh nghiệp lắp đặt, thanh toán bằng thẻ e-tag trên phương tiện sẽ được tăng cường, đẩy mạnh trong thời gian tới” - ông Huyện cho biết.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục đường bộ Việt Nam), chia sẻ đối với các trường hợp tài khoản thẻ e-tag hết tiền, xe vẫn được qua trạm. Việc này có nghĩa là xe trên đã nợ giá sử dụng dịch vụ đường bộ và phải thanh toán trong thời gian 7 ngày.

Ông Lê Quang Vinh chia sẻ thêm chủ trương thu giá không dừng tại các trạm thu phí là đúng đắn. Công tác thông tin - truyền thông về các quy định, lộ trình, lợi ích của việc thu giá không dừng cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa.

“Nhà đầu tư BOT như chúng tôi mong muốn có thêm nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ thu giá tự động không dừng để các nhà đầu tư BOT có thêm sự lựa chọn về dịch vụ, giá cả, phù hợp, đảm bảo lợi ích, tránh tình trạng quá tải khi triển khai phương thức thu giá không dừng này” - ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, cho biết công ty sẽ thường xuyên chú trọng việc giới thiệu về dịch vụ, tạo điều kiện để khách hàng trải nghiệm dịch vụ ở những địa điểm đã triển khai thu giá không dừng. Đồng thời, sẽ triển khai nhiều kênh nạp tiền vào tài khoản thẻ e-tag, hướng tới đơn giản hóa các thủ tục, nạp tiền bằng điện thoại di động...

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,993,431       1/876