Kinh tế

Xoài mất mùa, vẫn khó bán

Do ảnh hưởng của những cơn mưa nghịch mùa, năm nay cả vụ thu hoạch xoài nghịch vụ lẫn chính vụ đều mất mùa nặng. Vụ thu hoạch xoài chính vụ dự kiến kết thúc sớm hơn cả tháng so với mọi năm.

Xoài xuất khẩu đi Trung Quốc giảm cả về sản lượng và giá bán. Trong ảnh: Thương lái đóng xoài xuất đi Trung Quốc tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Xoài xuất khẩu đi Trung Quốc giảm cả về sản lượng và giá bán. Trong ảnh: Thương lái đóng xoài xuất đi Trung Quốc tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).

Hiện nhiều nhà vườn đang “vét” xoài cuối vụ dù những năm trước việc thu hoạch còn kéo dài cả tháng.

* Giá thấp vẫn ít người mua

Theo quy luật cung cầu, xoài thường có giá cao khi mất mùa vì cung không đủ cầu. Nhưng vụ thu hoạch năm nay, sản lượng xoài nghịch vụ và chính vụ chỉ bằng 50-60% so với vụ trước, vậy mà giá xoài luôn ở mức thấp. Cụ thể, giá xoài ba mùa mưa hiện chỉ còn khoảng 6 ngàn đồng/kg; xoài giống Đài Loan tùy chất lượng có giá từ 16-20 ngàn đồng/kg. Vụ này, nhiều vùng hầu như không có xoài cát Hòa Lộc cung cấp ra thị trường vì mất mùa, nhưng giá bán loại đặc sản này cũng chỉ hơn 30 ngàn đồng/kg.

Mọi năm, xoài nghịch vụ thường được tiêu thụ hết trước Tết Nguyên đán, nhưng năm nay sau tết nhiều vùng xoài vẫn tồn hàng. Giá xoài cũng ngày càng giảm. Nhiều nông dân trắng tay vì xoài vừa mất mùa, mất giá. Ông Phạm Văn Zin, nông dân trồng xoài tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “6 sào xoài của tôi cả vụ chỉ thu được vài tạ, giá xoài lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nên tôi lỗ từ tiền đầu tư phân, thuốc đến công chăm sóc”.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Vụ xoài năm nay, không ít nông dân lỗ hàng trăm triệu đồng vì xoài mất mùa, mất giá. Ngay cả xoài nghịch vụ luôn luôn khan hàng nhưng vụ này sau Tết Nguyên đán 2018 chỉ riêng hợp tác xã của chúng tôi đã tồn hàng trăm tấn xoài ba mùa mưa. Nguyên nhân xoài khó tiêu thụ là vì không cạnh tranh lại xoài keo giá rẻ nhập từ Campuchia”. 

* Băn khoăn chuyển đổi

Cũng theo ông Bảo, nông dân đang ồ ạt bỏ xoài ba mùa mưa chuyển sang trồng xoài giống Đài Loan vì giống xoài này được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Với một tỉnh có diện tích xoài lớn nhất nước như Đồng Nai, sự tăng nhanh một cách chóng mặt về diện tích của xoài giống Đài Loan này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì hiện chỉ bán được cho thị trường Trung Quốc.

Cùng quan điểm, ông Lê Thanh Phong, chủ vựa thu mua xoài tại xã Mã Đà, phân tích: “Trước đây, đầu ra cho trái xoài ba mùa mưa ổn định vì xuất đi Trung Quốc làm nguyên liệu chế biến nước ép. Nhưng nay trái xoài này chỉ tiêu thụ trong nước và cũng không cạnh tranh được với xoài keo Campuchia. Rất nhiều thương lái hiện nay chuyển sang nhập xoài keo về phân phối vì đạt lợi nhuận cao hơn hẳn so với kinh doanh xoài nội địa. Hiện ở vùng này, chủ vườn nào có vốn đều chuyển đổi xoài ba mùa mưa sang trồng xoài keo, xoài Đài Loan...”.  

Ông Nguyễn Văn Trúc, chủ vựa xoài ở xã Mã Đà chuyên đóng hàng xuất khẩu đi Trung Quốc, cho biết: “Năm nay, xuất khẩu xoài đi Trung Quốc giảm cả về sản lượng và giá bán. Việc đóng xoài của chúng tôi cũng trồi sụt theo thị trường này. Giá xoài lên xuống đều do thương lái Trung Quốc quy định”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,989,249       9/871