Kinh tế

Cửa hàng tự chọn "tràn về" nông thôn

Xu hướng mua sắm tại các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tự chọn (tiện lợi)... đã trở nên quen thuộc ở các thành phố, đô thị lớn từ nhiều năm qua. Thời gian gần đây, xu hướng này còn được mở rộng ra các huyện, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Người dân chọn mua sản phẩm tại Cửa hàng tiện lợi OK Mart Nhơn Trạch (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch).
Người dân chọn mua sản phẩm tại Cửa hàng tiện lợi OK Mart Nhơn Trạch (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch).

Trên thực tế, nhiều siêu thị, cửa hàng tự chọn ở TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và một số huyện đã thu hút được một lượng không nhỏ người tiêu dùng đến mua sắm.

* Kênh mua sắm, tiêu dùng mới

Theo ghi nhận, các siêu thị, cửa hàng tự chọn bắt đầu xuất hiện ở các huyện, khu vực nông thôn từ khoảng hơn 1 năm nay, kể cả những huyện vùng xa như: Tân Phú, Định Quán... Những sản phẩm được kinh doanh chủ yếu ở các siêu thị, cửa hàng này là các loại thực phẩm khô, nước giải khát, một số loại rau, củ, quả, thực phẩm đông lạnh, mỹ phẩm, đồ dùng cá nhân... Một số cửa hàng còn kinh doanh các loại sản phẩm nhập khẩu như: trái cây, đồ gia dụng...

Ông Nguyễn Quốc Nam, quản lý của Siêu thị Hoàng Đức - Gia Kiệm (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), cho biết: “Siêu thị mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 với diện tích khoảng 3 ngàn m2. Những mặt hàng chính của siêu thị là các loại thực phẩm (gồm cả thực phẩm đông lạnh), mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang... Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương, công nhân ở những khu vực lân cận”.

Bà Nguyễn Thị Cúc (ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ: “Tôi gần như là “mối” ruột của cửa hàng tiện lợi OK Mart Nhơn Trạch khoảng hơn 1 năm nay bởi tiện đường đi làm, không tốn nhiều thời gian chờ đợi. Nhân viên cũng niềm nở, nhiệt tình với khách hàng. Tôi đến đây mua sắm các loại đồ khô, một số loại thực phẩm”.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Thương mại (Sở Công thương), nhận định các doanh nghiệp hướng tới việc phát triển hệ thống bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tự chọn ở nông thôn là hoạt động nằm trong xu thế ngày càng mở cửa của thị trường, góp phần làm đa dạng thêm các loại hình kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng. Điều này giúp người tiêu dùng có thêm những sự lựa chọn, đặc biệt là những khu vực đông dân cư, các địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp...

* Cạnh tranh với chợ truyền thống

Đa phần các siêu thị, cửa hàng tự chọn ở nông thôn mới đi vào hoạt động, còn trong giai đoạn phát triển thương hiệu nên lượng khách còn ở mức vừa phải. Hơn thế nữa, thói quen tiêu dùng của người dân ở các huyện, khu vực nông thôn vẫn tập trung nhiều ở các chợ truyền thống.

“Tôi có biết đến một số cửa hàng tự chọn ở địa phương, nhưng tôi chủ yếu vẫn mua hàng ở chợ hoặc các cửa hàng tạp hóa gần nhà bởi giá cả thường hợp lý hơn, các mặt hàng cũng đa đạng hơn” - bà Võ Thị Muộn (xã Phú Bình, huyện Tân Phú) chia sẻ.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn cho rằng mật độ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở nông thôn chưa nhiều. Hầu hết các siêu thị hay cửa hàng tự chọn nằm ở thị trấn, tính kết nối và tương tác chưa cao, nhất là đối với những người dân có nhu cầu tiêu dùng ở các siêu thị, cửa hàng tự chọn nhưng lại ở quá xa thị trấn.

Để tăng cạnh tranh với các chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng này không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tìm lời giải cho bài toán giá thành cũng như có nhiều chương trình, hoạt động ưu đãi... “Để phục vụ khách mua sắm mỗi ngày, cửa hàng mở cửa 18,5 tiếng và chỉ nghỉ vào ban đêm. Ngoài những sản phẩm thông thường, cửa hàng còn cung cấp các sản phẩm xuất xứ từ Hàn Quốc để tạo ra nét riêng biệt. Khách đến cửa hàng là công nhân, người lao động và những người nước ngoài đang làm việc tại công ty trên địa bàn” - chị Thu Trang, quản lý của Cửa hàng tiện lợi OK Mart Nhơn Trạch (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Nam, Siêu thị Hoàng Đức - Gia Kiệm thường xuyên có các chương trình ưu đãi, giảm giá vào các dịp lễ lớn cũng như những hoạt động làm thẻ thành viên, tích điểm đổi quà... để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, nhiều cửa hàng còn chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh, loại hình trên mạng xã hội để tăng cường tính tương tác với khách hàng. 

Ông Lục Văn Thủy chia sẻ thêm các siêu thị, cửa hàng tự chọn ở khu vực nông thôn sẽ làm tăng mức độ cạnh tranh đối với các chợ truyền thống, góp phần thúc đẩy việc niêm yết giá cả rõ ràng, nâng cao thái độ phục vụ, hành vi ứng xử của các tiểu thương, chủ cửa hàng bán lẻ đối với người tiêu dùng.

Tuy vậy, các chợ truyền thống vẫn chiếm nhiều ưu thế bởi giá cả thường rẻ hơn cũng như thói quen đi chợ từ lâu nay của người dân. Điều này đòi hỏi các siêu thị, cửa hàng tự chọn cần chủ động nâng cao chất lượng, có những hướng tiếp cận, phân khúc phù hợp, nhất là đối với những khu vực nông thôn, địa bàn tập trung nhiều công nhân, khu công nghiệp.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,993,396       1/876