Kinh tế

Thu hút đầu tư nước ngoài: Chọn lọc kỹ

Dù được đánh giá là khu vực "vàng" trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song quý I-2018, đầu tư FDI vào tỉnh Đồng Nai chỉ đạt gần 355 triệu USD, giảm 29 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Những dự án thu hút mới có lượng vốn ít, bình quân dưới 5 triệu USD/dự án.

Dù được đánh giá là khu vực “vàng” trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song quý I-2018, đầu tư FDI vào tỉnh Đồng Nai chỉ đạt gần 355 triệu USD, giảm 29 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Những dự án thu hút mới có lượng vốn ít, bình quân dưới 5 triệu USD/dự án.

Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong 3 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 17 dự án với tổng vốn đăng ký là 84 triệu USD và 17 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm gần 271 triệu USD. Nguồn vốn chủ yếu được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

* Chọn lọc kỹ

Khoảng 5 năm trở lại đây, thu hút đầu tư của tỉnh đã có sự chọn lọc khá kỹ. Những dự án ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu... hầu hết đều bị từ chối. Đồng Nai chỉ thu hút những dự án có công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ có dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp thì giá thuê đất của Đồng Nai cũng cao hơn một số tỉnh, thành lân cận nên số dự án đầu tư vào tỉnh giảm.

Sản xuất ở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu).
Sản xuất ở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu).

Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho rằng các khu công nghiệp của tỉnh hiện có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71% nên trong thu hút đầu tư FDI, tỉnh có xu hướng lựa chọn rất kỹ, chỉ những dự án phù hợp với các tiêu chí của tỉnh mới được cấp phép và gia hạn. “Những dự án mà Đồng Nai cấp phép đầu tư mới và tăng vốn đều có công nghệ sản xuất hiện đại, sử dụng ít lao động. Thu hút đầu tư trong nước lẫn thu hút vốn FDI của tỉnh được chọn lọc kỹ và chỉ ưu tiên lựa chọn những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, có công nghệ cao. Việc này cũng làm giảm nguồn vốn đầu tư của FDI vào tỉnh” - ông Dũng nói.

Không chỉ riêng Đồng Nai mà thu hút vốn FDI của cả nước trong những tháng đầu năm cũng có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Những dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới tuy nhiều, song phần lớn có tổng vốn đăng ký không cao.

Mới đây tại cuộc họp về tình hình kinh tế, xã hội trong quý I-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã lưu ý, thu hút đầu tư khu vực FDI vào tỉnh đã giảm trong cả thu hút mới lẫn tăng vốn. Thời gian tới, các sở, ngành liên quan phải tiếp tục đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi những doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào Việt Nam đến Đồng Nai.

* Vẫn là lựa chọn hàng đầu

Dù thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai có giảm nhưng vẫn nằm trong tốp 5 các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Thời gian qua, vẫn có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đến tỉnh tìm hiểu về chính sách, những dự án tỉnh đang mời gọi đầu tư với dự tính có thể sẽ đầu tư vào Đồng Nai. Lĩnh vực nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm là: công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, logistics, năng lượng.

Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Ông K.Srika Reddy, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh, cho hay: “Trước đây, các doanh nghiệp Ấn Độ chỉ chú ý đến việc giao thương với Việt Nam, song gần đây bắt đầu muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép. Đồng Nai là nơi các doanh nghiệp Ấn Độ đang muốn đầu tư vào vì có công nghiệp phát triển, sẽ dễ dàng cung ứng sản phẩm cho những doanh nghiệp trên địa bàn”.

Trong 3 tháng đầu năm, các dự án FDI đầu tư vào tỉnh hầu hết đến từ các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Lĩnh vực được rót vốn vào nhiều là sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Hiện Hàn Quốc vẫn dẫn đầu trong hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn gần 5,6  tỷ USD.

Vào khoảng trung tuần tháng 3-2018, bà Martine Verhoeve, Phó thống đốc tỉnh  Đông Flanders (Vương quốc Bỉ), đã đưa một số tập đoàn lớn đến Đồng Nai tìm hiểu và đi thực địa với dự tính sẽ tham gia vào những dự án hạ tầng giao thông và logistics. “Thế mạnh của các tập đoàn ở tỉnh  Đông Flanders là đầu tư vào lĩnh vực logistics và những dự án về hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp Bỉ rất quan tâm dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và rất muốn tham gia vào các hạng mục. Thời gian tới có thể có làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Bỉ vào Đồng Nai ở 2 lĩnh vực trên” - bà Martine Verhoeve cho hay.

Ngoài ra, doanh nghiệp của nhiều nước khác như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư với dự kiến sẽ rót vốn vào một số lĩnh vực. Vấn đề các doanh nghiệp FDI đang muốn đầu tư vào tỉnh quan tâm nhất vẫn là việc giải quyết hồ sơ thủ tục đầu tư, chính quyền hỗ trợ thế nào khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,993,441       1/876