Kinh tế

Giàu lên từ nghề nuôi yến

Vợ chồng bà Trần Thị Lan Hương và ông Nguyễn Tiến Trực là những nông dân tiêu biểu của huyện Trảng Bom trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi.

Bà Trần Thị Lan Hương (phải) giới thiệu sản phẩm yến sào Thiên Lộc Thực tại khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Trảng Bom tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện nhiệm kỳ 2018-2023.
Bà Trần Thị Lan Hương (phải) giới thiệu sản phẩm yến sào Thiên Lộc Thực tại khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Trảng Bom tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện nhiệm kỳ 2018-2023.

Hiện gia đình ông bà đã xây dựng được 8 nhà nuôi yến trên địa bàn Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác. Cơ sở yến sào Thiên Lộc Thực tại thị trấn Trảng Bom là một trong số những địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng khi chọn mua yến sào.

* Khởi nghiệp từ con cá

Bà Hương kể: “Ông xã tôi làm trong ngành ngân hàng, tôi làm giáo viên. Năm 2006, chồng tôi quyết định nghỉ việc về nhà đào ao nuôi cá vì mê con cá rô và cá lóc. Lúc đó, đây là 2 giống cá bán được với giá cao vì thị trường ưa chuộng”.

Theo bà Hương, nghề nuôi cá vất vả lắm và cũng nhiều rủi ro. Có mùa trúng lớn nhưng cũng có những vụ, mỗi ngày cá chết hàng tấn. Vợ chồng bà phải tự lội ao vớt cá, dọn ao vì người làm dọn không kịp.

Sau này, phong trào nuôi cá rô, cá lóc rộ lên, đầu ra cho 2 loài cá đặc sản này cũng bấp bênh hơn. Từ đây, ông Trực quyết định chuyển sang nuôi chim trời đang “sốt” vì đứng đầu về cho thu nhập cao. Năm 2010, gia đình bà Hương bỏ tiền tỷ đầu tư nhà nuôi chim yến đầu tiên. Ông Trực lại mải mê tìm hiểu về đặc tính của giống chim trời này, từ cách dựng nhà yến, tạo môi trường thiên nhiên xung quanh đến khâu thu hoạch sao cho hiệu quả nhất.

* Xây dựng hệ thống nhà nuôi chim trời

Đến nay, gia đình bà Hương đã có 8 nhà nuôi yến. Bà Hương chia sẻ: “Có nhà yến đầu tư 1 năm là có thu hoạch, có nhà yến phải đợi chờ 2-3 năm yến mới về nhiều. Nhưng yến về rồi là ngày càng gắn bó, sinh sôi”.

Mô hình nuôi yến của gia đình bà Hương khá độc đáo. Trong khu vực nuôi yến, gia đình bà cho đào ao nuôi cá, trồng cây để tạo vùng tiểu khí hậu mát mẻ, trong lành cho yến về làm tổ. Bên trong, yến làm tổ trên những thanh gỗ tự nhiên để dễ dàng trong thu hoạch, tổ yến lại không bị dính tạp chất.

Khi công việc nhà nông bận rộn, bà Hương nghỉ dạy học để quán xuyến công việc. Bà Hương kể: “Khi nhà yến bắt đầu cho thu hoạch, tôi đã bỏ công đi học cách xử lý tổ yến, từ việc làm khô tổ yến thô đến làm sạch tổ yến để ra yến tinh. Tôi cũng tìm hiểu thêm kiến thức từ sách vở, kết hợp với kinh nghiệm thực tế để tiết kiệm thời gian trong khâu làm sạch tổ yến và bảo đảm giữ nguyên chất dinh dưỡng của tổ yến”.

Nhờ chất lượng tốt, không chỉ khách mua lẻ tin tưởng đặt hàng làm quà biếu, đem đi nước ngoài, hệ thống nhà yến của bà Hương còn là nguồn cung ổn định cho khách mua sỉ từ các tỉnh, thành. Để quảng bá thương hiệu cho yến sào Thiên Lộc Thực, vợ chồng bà mở cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm tại trung tâm thị trấn Trảng Bom. Ngoài dòng yến khô, bà Hương còn cho đóng thành gói nhỏ yến tinh làm sạch (chưa sấy khô) với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/bịch để người tiêu dùng có thể dễ dàng mua yến khi cần bồi bổ sức khỏe.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,988,474       6/869