Kinh tế

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai xếp thứ 26: Vẫn chưa xứng tầm

Giữa tháng 3 vừa qua, bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 đã được công bố tại Hà Nội. Theo đó, PCI của Đồng Nai xếp thứ 26, tăng 8 bậc so với năm trước đó. Tuy nhiên so với những tiềm năng và lợi thế của tỉnh thì thứ hạng này vẫn chưa xứng tầm.

Giữa tháng 3 vừa qua, bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 đã được công bố tại Hà Nội. Theo đó, PCI của Đồng Nai xếp thứ 26, tăng 8 bậc so với  năm trước đó. Tuy nhiên so với những tiềm năng và lợi thế của tỉnh thì thứ hạng này vẫn chưa xứng tầm.

Những doanh nghiệp nhỏ luôn mong muốn tính minh bạch cao và chi phí không chính thức giảm. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp nhỏ ở TP.Biên Hòa.
Những doanh nghiệp nhỏ luôn mong muốn tính minh bạch cao và chi phí không chính thức giảm. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp nhỏ ở TP.Biên Hòa.

PCI là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ. Điều tra PCI hàng năm nhằm cung cấp các thông tin độc lập, khách quan về môi trường kinh doanh cấp tỉnh đã được nhiều nhà đầu tư tham khảo để quyết định đầu tư, xúc tiến thương mại ở các địa phương.

* Xếp cuối bảng của nhóm khá

PCI của tỉnh trong năm 2017 tăng gần 5 điểm và tiến thêm 8 bậc nhưng vẫn nằm gần cuối nhóm khá trong bảng xếp hạng. Trong bảng xếp hạng được đánh giá ở mức khá, Đồng Nai vẫn đứng sau nhiều tỉnh trong khu vực như: Bình Thuận, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bến Tre...

Trong 10 chỉ tiêu để đanh giá xếp hạng PCI năm 2017, Đồng Nai có 6/10 chỉ tiêu tăng điểm và 4 chỉ tiêu bị giảm điểm. Trong đó giảm điểm nhiều nhất là chỉ tiêu về cạnh tranh bình đẳng, còn các chỉ tiêu khác về tính minh bạch, chi phí thời gian và gia nhập thị trường... có giảm điểm so với năm 2016 nhưng chỉ giảm nhẹ.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho rằng tuy kết quả đạt được chưa xứng tầm với một tỉnh có thế mạnh công nghiệp và nằm trong nhóm các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, song PCI năm 2017 cũng thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư. Dù không có bước đột phá mạnh như nhiều tỉnh khác ở phía Nam, nhưng trong 5 năm qua xếp hạng PCI của tỉnh tăng hạng đều đều. “Đồng Nai tăng được 8 bậc là nhờ một số chỉ tiêu năm nay được cải thiện rất rõ rệt là: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền tỉnh. Những chỉ tiêu giảm điểm hoặc không được cải thiện nhiều, trong năm nay tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp để thực hiện mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp” - ông Nguyên nhận xét.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì chi phí thời gian để giải quyết hồ sơ, thủ tục, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự vẫn chưa có nhiều thay đổi so với năm 2016. 

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, cho hay: “Thời gian giải quyết các hồ sơ cho doanh nghiệp trong tỉnh đã được cải thiện và rút ngắn nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng và mong muốn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Để môi trường kinh doanh tốt hơn, tỉnh cần tiếp tục có những biện pháp để giúp doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận đất đai. Đồng thời tiếp tục nâng cao các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các ưu đãi để phát triển”.

* Căn cứ để lựa chọn đầu tư

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết: “PCI là tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp. Đây là kênh để doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ phản ánh những khó khăn với chính quyền, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm”. Các tỉnh thành cũng căn cứ vào PCI hàng năm để có những giải pháp cải thiện môi trường tăng thu hút đầu tư từ khu vực trong nước và nước ngoài.

Những doanh nghiệp nhỏ luôn mong muốn tính minh bạch cao và chi phí không chính thức giảm. Trong ảnh: Sản xuất găng tay ở Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành)
Những doanh nghiệp nhỏ luôn mong muốn tính minh bạch cao và chi phí không chính thức giảm. Trong ảnh: Sản xuất găng tay ở Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành)

Ông Cao Minh Chuyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (tại huyện Nhơn Trạch) cho hay: “Thời gian giải quyết các thủ tục đã được rút ngắn nhưng nếu tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đơn giản và giảm thời gian hơn nữa sẽ giúp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài thuận lợi. Như vậy sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Đồng Nai hơn”.  Cũng theo ông Chuyên, hiện công ty đang xây dựng nhà xưởng cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước, nước ngoài thuê để sản xuất, kinh doanh và gần 2 năm trở lại đây doanh nghiệp nhỏ Nhật Bản đến thuê nhà xưởng sản xuất công nghiệp hỗ trợ khá nhiều. Mong muốn của các doanh nghiệp là thủ tục đơn giản để giảm thời gian chờ đợi, chi phí; Ngoài ra, có thêm các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,995,955       1/1,292