Kinh tế

Ngành mía đường sắp khó?

Mía đường là một trong những mặt hàng được Chính phủ cam kết bảo hộ lâu hơn những ngành hàng khác, đặc biệt khi mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương. Mặc dù vậy, những cam kết bảo hộ này cũng có thời hạn nhất định.

Mía đường là một trong những mặt hàng được Chính phủ cam kết bảo hộ lâu hơn những ngành hàng khác, đặc biệt khi mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương.

Thu hoach mía (ảnh minh họa)
Thu hoach mía (ảnh minh họa)

Mặc dù vậy, những cam kết bảo hộ này cũng có thời hạn nhất định. Chẳng hạn, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, nhiều quốc gia trong khối đã giảm dần thuế nhập khẩu đường về mức 0%, song Việt Nam vẫn duy trì thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam ở mức 5% để hỗ trợ ngành mía đường trong nước.

Thực tế, AEC được hình thành từ cuối năm 2015 và nhiều dòng thuế nhập khẩu nội khối đã về 0%. Riêng đối với ngành mía đường, đến năm 2016 trong nội khối, nhiều nước thuế nhập khẩu đã giảm về 0%, thì thuế nhập khẩu đường của Việt Nam vẫn duy trì ở mức 5% và có sự khác biệt với nhiều nước trong khối.

Năm 2016, Hiệp hội Mía đường Việt Nam còn đưa ra kiến nghị Chính phủ duy trì mức thuế 5% này kể cả sau năm 2018 - thời điểm mà thuế nhiều mặt hàng nội khối giảm về 5% theo cam kết. Bộ Tài chính có ghi nhận kiến nghị này, song chưa trả lời chính thức là sau năm 2018 có duy trì tiếp hay không.

Thực sự, ai cũng hiểu vấn đề của ngành mía đường nói riêng và nhiều ngành khác nói chung không chỉ nằm ở thuế nhập khẩu bao nhiêu % mà là làm thế nào để tăng năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất, ít nhất là ngay tại thị trường trong nước?

Khảo sát thị trường cho thấy, mặc dù vẫn chịu mức thuế nhập khẩu 5%, song hiện nay đường tinh luyện Thái Lan, Philippines và một số quốc gia khác vẫn cạnh tranh gắt gao trên kệ hàng với đường Việt Nam, không chỉ về giá mà còn về mẫu mã và chủng loại.

Mặc dù mấy năm qua, ngành mía đường cùng các doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực nhiều để giảm giá thành, nâng chất lượng, song vẫn chưa đuổi kịp các quốc gia khác. Số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, hiện nay diện tích trồng mía của Thái Lan đang gấp 5 lần Việt Nam nhưng lại gấp 8 lần về sản lượng đường. Tương tự, Philippines có 450 ngàn hécta mía, mỗi vụ sản xuất được 2,5 triệu tấn đường.

Trong khi đó, Việt Nam có 300 ngàn hécta mía và mỗi vụ mía chỉ sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường. Tự tin về sức cạnh tranh của ngành mía đường trong nước, Thái Lan lẫn Philippines đều đã chủ động giảm thuế nhập khẩu đường, thậm chí còn sớm hơn so với cam kết về lộ trình giảm thuế AEC vạch ra.

Ở tầm vĩ mô, chính sách phát triển ngành mía đường của một số quốc gia trong khu vực cũng nhanh và hiệu quả hơn Việt Nam, trong đó có cả chính sách đa dạng hóa sản phẩm từ phụ phẩm của ngành mía đường để tăng hiệu quả, giảm giá thành.

Điều này do nhiều vướng mắc mà Việt Nam vẫn chưa làm tốt. Hiện tại, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đường từ Lào theo cam kết gia nhập WTO, bất kể đường trong nước có tồn kho hay không, thêm vào đó là đường nhập lậu tràn lan, càng gây khó cho ngành mía đường nội địa.

Về xuất khẩu đường, chủ yếu hiện tại vẫn xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với số lượng ít và nhiều bấp bênh, giá thành cao nên chưa mở rộng được nhiều thị trường xuất khẩu mới.

Điều đáng mừng là hiện tại các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của ngành mía đường đang nỗ lực rất nhiều trong việc nâng sức cạnh tranh, từ mở rộng vùng nguyên liệu, hợp tác với nông dân, tăng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu... Hy vọng trong vài năm tới, ngành mía đường trong nước sẽ có những bước tiến khả quan hơn, trước khi mọi chính sách bảo hộ bằng thuế không còn hiệu lực.

Vi Lâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,429       6/1,164