Mới đây, tại Đồng Nai, các đại biểu của 16 tỉnh, thành trong cả nước đã tham gia Hội thảo góp ý dự thảo tiêu chí xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm mục tiêu "tìm ra" bộ tiêu chí chuẩn thống nhất trong cả nước.
Nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân nông thôn là tiêu chí được quan tâm hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Cẩm Mỹ. |
Dù chưa có bộ tiêu chí chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu chung trong cả nước, nhưng một số tỉnh, thành đã chủ động đề xuất hoặc ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã hoặc cấp thôn, bản, khu dân cư. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương còn lúng túng về tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá và về cơ chế, chính sách hỗ trợ.
* Để địa phương chủ động
Hiện cả nước vẫn chưa có tỉnh, thành phố nào ban hành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng Nai là tỉnh đi đầu cả nước trong việc chủ động xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao từ cuối năm 2013 (nay là bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu). Qua 3 lần bổ sung, điều chỉnh, bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, gồm: 19 tiêu chí và 47 chỉ tiêu, trong đó 23 chỉ tiêu có yêu cầu ở mức độ cao hơn và bổ sung 24 chỉ tiêu nhằm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ, ổn định và bền vững. Đến nay, tỉnh đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. |
Dự thảo bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá yêu cầu tại một số địa bàn xã, huyện thuộc các vùng kinh tế trong cả nước.
Trong đó, nội dung yêu cầu chủ yếu là nâng cao chất lượng cả những lĩnh vực, gồm: hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao đời sống nhân dân; giáo dục - y tế - văn hóa; cảnh quan - môi trường; quốc phòng - an ninh - hành chính công.
Các ý kiến đóng góp tại hội thảo đều thống nhất cao về quan điểm cần thiết xây dựng bộ tiêu chí chung nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng vẫn đảm bảo thể hiện được những đặc trưng nổi bật, mang tính điển hình cho mỗi vùng, miền và địa phương. Việc thẩm định và công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng nên giao về cho cấp tỉnh.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, đề nghị: “Song song với việc ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, cần ban hành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu để vừa kích thích phong trào kịp thời, vừa chủ động cho các huyện có cơ sở thực hiện”.
* Chú trọng chất lượng
Tuy các địa phương đều thể hiện rõ quyết tâm về định hướng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng, nhưng nhiều đại biểu cho rằng việc xét và công nhận nên tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương, không nóng vội chạy theo thời gian, thành tích để đưa ra con số áp đặt là mỗi năm phải có bao nhiêu xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoặc nông thôn mới kiểu mẫu.
TS.Võ Thị Kim Sa, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (Trường cán bộ quản lý nông nghiệp - phát triển nông thôn II), góp ý cần tư duy dài, tính đến lộ trình phát triển 5, 10 năm sau trong xây dựng nông thôn mới để không phải lúng túng khi bước sang giai đoạn mới, cần đặt chương trình nông thôn mới trong tổng thể sự phát triển của quốc gia.
“Nhiều địa phương đang chịu áp lực phải nâng cao thu nhập nên luôn đặt năng suất lên hàng đầu, lạm dụng phân, thuốc trong sản xuất. Kết quả là dịch bệnh phát sinh, chất lượng thực phẩm mất an toàn. Khi xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu cần chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững” - TS. Kim Sa nói.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Y tế là thành viên của tổ công tác xây dựng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, nhận xét: “Thực tế tại nhiều địa phương vẫn có 2 loại báo cáo về nông thôn mới, báo cáo thành tích có nội dung khác với báo cáo về thực trạng để xin đầu tư. Nội dung báo cáo của nhiều địa phương là con số ảo. Bộ tiêu chí mới nên bổ sung thêm nội dung cần phúc tra và tái chứng nhận lại các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.
Bình Nguyên