Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng trên địa bàn tỉnh có hơn 240 doanh nghiệp (DN) thành lập mới. Số DN thành lập mới tăng nhẹ so với năm 2016, nhưng vốn đăng ký tăng gần 27%.
DN dừng hoạt động và giải thể chỉ chiếm 7%.
Lĩnh vực bán lẻ hàng hóa được nhiều doanh nghiệp thành lập mới trong tỉnh đăng ký hoạt động. |
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, DN thành lập mới tăng, đặc biệt là số vốn đăng ký tăng cao, trong khi số lượng DN bị giải thể rất ít và hầu hết là DN nhỏ, là dấu hiệu tốt cho phát triển kinh tế của tỉnh. Điều này cho thấy DN đã yên tâm và tin tưởng đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh để tăng doanh thu.
* Đăng ký nhiều lĩnh vực
Theo Tổng cục Thống kê, số DN thành lập mới trên cả nước trong 7 tháng của năm nay gần 73 ngàn, tăng gần 14%; tổng vốn đăng ký 690,7 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn bình quân của DN thành lập mới là 9,5 tỷ đồng/DN, thấp hơn gần 1,5 tỷ đồng/DN so với Đồng Nai. DN bị giải thể, ngưng hoạt động trong cả nước khoảng 43,3 ngàn, chiếm tỷ lệ trên 60% so với thành lập mới, trong khi tại Đồng Nai chỉ chiếm 7%. |
Đến giữa tháng 7-2017, trên địa bàn Đồng Nai có gần 1.800 DN đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký kinh doanh là hơn 19 ngàn tỷ đồng và 280 DN đăng ký bổ sung thêm vốn gần 8 ngàn tỷ đồng. Như vậy, vốn đăng ký mới và bổ sung đạt hơn 27 ngàn tỷ đồng.
Bình quân 1 DN thành lập mới có vốn đăng ký gần 11 tỷ đồng, cao hơn bình quân chung của cả nước khoảng 1,5 tỷ đồng/DN. Các DN đăng ký thành lập mới hoạt động đa ngành nghề, song lĩnh vực được nhiều đơn vị lựa chọn đầu tư chính là dịch vụ và sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho biết: “Các DN thành lập mới đăng ký hoạt động nhiều ngành nghề, nhưng chủ yếu là dịch vụ bán buôn, bán lẻ hàng hóa và sản xuất công nghiệp, chế biến. Đây cũng chính là những lĩnh vực giúp cho tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của tỉnh tăng lên”.
Những DN thành lập mới đầu tư vốn vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chế biến phù hợp với nhu cầu UBND tỉnh đang ưu tiên phát triển nhằm tăng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Đồng thời, đây cũng là ngành nghề Chính phủ đang ưu tiên phát triển để nắm thế chủ động và hưởng được những lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Những DN thành lập mới tại Đồng Nai hầu hết đi vào sản xuất, kinh doanh ngay sau khi hoàn tất các thủ tục công nhận là công ty. Ông Đào Minh Quang, Giám đốc Công ty TNHH Đạt Phát (huyện Trảng Bom) mới thành lập, chia sẻ: “Sau khi đăng ký thành lập công ty, tôi đã tăng thêm vốn để mở rộng sản xuất. Tuy công ty đăng ký hoạt động gần 10 ngành nghề khác nhau, nhưng lĩnh vực chính vẫn là sản xuất sản phẩm gỗ. Thành lập công ty, mọi giao dịch mua bán hàng hóa, gia công thuận lợi hơn”.
* Nhiều tiềm năng
Khoảng 2 năm trở lại đây, Chính phủ rất coi trọng phát triển kinh tế tư nhân và coi đây là một trong những trụ cột chính để phát triển nền kinh tế trong nước. Do đó, Chính phủ không ngừng tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho kinh tế tư nhân hoạt động thông thoáng và hiệu quả.
Tại Đồng Nai, việc thành lập công ty khá đơn giản, thời gian dần được rút ngắn. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - đầu tư, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành trong cả nước rút ngắn được thời gian đăng ký thành lập DN xuống còn 2 ngày. Khi muốn thành lập công ty, có thể đến trực tiếp hoặc đăng ký qua mạng vào bất kỳ thời gian nào.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thuế kế toán Luật Việt Á (TP.Biên Hòa), cho biết: “Hiện nay việc thành lập công ty nhanh và đơn giản. Khi có nhu cầu có thể đăng ký trên mạng vào buổi tối hay thứ bảy, chủ nhật đều được vì không còn bị giới hạn về thời gian. Công ty đăng ký thành lập xong sẽ có kèm mã số thuế nên giảm bớt rất nhiều thời gian, chi phí cho DN”.
Thủ tục thành lập DN đơn giản, thời gian giải quyết nhanh là một trong những yếu tố giúp nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh đăng ký thành lập công ty để hoạt động thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, chính sách trong hoạt động DN cũng thông thoáng nên đã không ngần ngại đầu tư vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn Đồng Nai, DN phải tạm ngưng hoạt động và giải thể rất ít, khoảng 7% so với DN thành lập mới, trong khi cả nước hơn 60%.
“DN thành lập mới tăng, vốn đăng ký tăng, tỷ lệ DN dừng hoạt động thấp, hầu hết các DN sau khi thành lập mới đi vào hoạt động là dấu hiệu rất tốt trong phát triển kinh tế. Đây là yếu tố cho thấy các DN nhỏ, siêu nhỏ trong tỉnh lớn dần lên và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế” - ông Nguyễn Xuân Quang, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai, nhận xét.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh trong 8 tháng của năm nay gần 99,7 ngàn tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có sự đóng góp của những DN thành lập mới sớm đi vào hoạt động.
Khánh Minh