Kinh tế

Bàu Hàm 2 chuyển mình

Năm 2011 khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) chỉ đáp ứng được 3/19 tiêu chí. Đến nay, xã là một trong 7 xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bà Ngô Thị Sáu (ngụ ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) vui mừng bên vườn bưởi đang cho trái từ sự hỗ trợ chuyển đổi cây trồng của Nhà nước.
Bà Ngô Thị Sáu (ngụ ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) vui mừng bên vườn bưởi đang cho trái từ sự hỗ trợ chuyển đổi cây trồng của Nhà nước.

Điều đáng tự hào là trong cả 2 lần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, địa phương này đều về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

* Hỗ trợ người dân thoát nghèo

Theo ông Trần Văn Danh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2, toàn xã hiện có 265 đảng viên. Đây là một trong những Đảng bộ lớn của huyện. Đảng viên trong từng chi bộ không chỉ tham gia tuyên truyền, vận động mà thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu trong các khoản đóng góp, lao động công ích. Từ đó tạo lòng tin và khuyến khích người dân chung sức tham gia xây dựng quê hương.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không chỉ có điện - đường - trường - trạm được xây dựng mới khang trang, to đẹp mà đời sống người dân nơi đây cũng phát triển mạnh mẽ.

Theo ông Trần Văn Danh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2, nếu trước năm 2011 thu nhập đầu người chỉ ở mức hơn 25 triệu đồng người/năm thì nay đã tăng lên 51 triệu đồng/người/năm.

Để có được sự bứt phá về thu nhập, ngoài nỗ lực của người dân còn phải kể đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc giúp người dân làm kinh tế.

Trong đó, nhiều mô hình hỗ trợ, như: chăn nuôi gà, trồng bắp, tưới nước tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây chủ lực, hỗ trợ hộ sản xuất cây lúa... đã được triển khai, góp phần nâng cao thu nhập trên chính diện tích đất của mỗi gia đình.

Cụ thể như trường hợp của bà Ngô Thị Sáu, ngụ ấp Lộ 25. Theo bà Sáu trước đây mỗi năm, 1 hécta trồng điều cho thu nhập chỉ 30 triệu đồng. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ cây giống, thuốc trừ sâu, phân bón, kỹ thuật và hệ thống tưới nước hiện đại để chuyển đổi sang cây trồng chủ lực là bưởi.

Từ thời điểm đó, 1 hécta trồng bưởi đã đem đến cho gia đình hơn 150 triệu đồng/năm. “Gia đình tôi vui lắm. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước mà thu nhập tăng rõ rệt, từ đó điều kiện sống tốt hơn trước rất nhiều” - bà Sáu cho hay.

Địa phương cũng tiếp sức kịp thời những hộ nông dân không có hoặc có rất ít đất sản xuất, trong đó có gia đình ông Trần Văn Thanh Lâm (tổ 15, ấp Ngô Quyền). Theo ông Lâm, 10 năm trước gia đình ông từ tỉnh Bến Tre đến xã Bàu Hàm 2 và phải ở nhờ trên đất của người khác. Sau mấy năm tích cóp, gia đình mua được mảnh đất nhỏ nhưng không có khả năng xây nhà.

Thấy hoàn cảnh 5 người trong gia đình ông Lâm quá khó khăn, năm 2013 xã đã xây cho gia đình ông căn nhà tình thương trị giá 30 triệu đồng. Cũng năm nay, địa phương tạo điều kiện để ông Lâm vay 20 triệu đồng làm kinh tế. Song trong quá trình chăn nuôi do không có kỹ thuật nên bị mất vốn.

Không bỏ mặc hộ nghèo này với khoản nợ cùng đời sống khó khăn, một lần nữa chính quyền lại giang tay hỗ trợ ông Lâm bằng việc tiếp tục tạo điều kiện để gia đình vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi.

Nhờ những kiến thức từ lớp học nghề chăn nuôi dê, qua một thời gian chăm sóc, hiện đàn dê đã phát triển với 10 con sinh sản và bầy dê thịt đang chờ xuất chuồng. Ông Lâm vui mừng cho biết: “Nhờ sự trợ giúp kịp thời này mà đời sống gia đình tôi có nhiều chuyển biến. 3 con tôi đều có điều kiện tốt hơn về quần áo, cặp sách để đi học. Hiện, gia đình tôi đã trả được 1/3 số tiền vay của ngân hàng chính sách xã hội. Nhưng vui nhất là cuối năm 2016, gia đình được công nhận thoát nghèo”.

Xã Bàu Hàm 2 hiện còn 25 hộ nghèo. Với những sự hỗ trợ của chính quyền cũng như nỗ lực của người dân thì đến cuối năm nay dự kiến sẽ có thêm 15 hộ thoát nghèo, phấn đấu năm 2020 xã sẽ không còn hộ nghèo.

* Chung sức

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đời sống nhân dân ở xã Bàu Hàm 2 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện toàn xã chỉ còn 25 hộ nghèo/4.423 hộ.

Theo ông Trần Văn Danh, đây là điều mà lãnh đạo xã rất mừng. Bởi nếu năm 2011, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới toàn xã có đến 180 hộ nghèo, một con số rất cao so với nhiều xã khác trong huyện. Những hộ có thu nhập cao từ vài trăm triệu đồng một năm đã không còn là chuyện hiếm hoi như trước.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, người dân ở địa phương đã đóng góp hơn 24 tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công và nhiều hécta đất để làm đường, xây dựng công trình công cộng.

Bà Ngô Thị Sáu, ngụ ấp Lộ 25, một trong những hộ dân đóng góp tích cực cho địa phương, chia sẻ: “Nhà nước rất quan tâm để gia đình phát triển kinh tế. Vậy nên khi địa phương có chủ trương làm đường trong từng xóm ấp, gia đình tôi mong muốn đóng góp công sức vào xây dựng quê hương và đã đồng thuận hiến hơn 1 ngàn m2 đất ở 2 địa điểm khác nhau để thực hiện bê tông, nhựa hóa”.

Mới đây nhất, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, người dân trong xã đã đóng góp 420 triệu đồng để thực hiện các công trình giao thông, kéo đường điện. Cũng chính nhờ sự đồng thuận và sức dân mà hiện hơn 90% đường giao thông ở xã đã được bê tông, nhựa hóa những con đường dẫn vào các khu rẫy, ruộng cũng đều đã cứng hóa thuận tiện cho người dân đi lại.

Sông Thao

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,626       8/1,148