Kinh tế

Đưa hộ chăn nuôi vào khu quy hoạch

Khu thí điểm chăn nuôi tập trung tỉnh Đồng Nai (LPZ) tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) đến nay cơ bản đã hoàn thiện và đi vào vận hành. Đây là khu thí điểm duy nhất của Đồng Nai và trong cả nước ...

c Ngân hàng Thế giới và Ban Quản lý trung ương dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) chấp thuận hỗ trợ đầu tư.

Các hộ chăn nuôi đều đồng thuận vào khu quy hoạch tập trung. Ảnh chụp tại trại chăn nuôi của ông Mai Thanh Chu.
Các hộ chăn nuôi đều đồng thuận vào khu quy hoạch tập trung. Ảnh chụp tại trại chăn nuôi của ông Mai Thanh Chu.

Đa số các hộ chăn nuôi trong Khu LPZ đều tham gia tổ hợp tác áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn (GAHP), đã và đang thực hiện chứng nhận VietGAHP. Mục tiêu của chương trình là nâng cao năng lực cạnh tranh của chăn nuôi hộ gia đình khi tham gia vào chuỗi chăn nuôi an toàn với đầu ra bền vững.

* Khu thí điểm đầu tiên

Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, quy hoạch chăn nuôi tập trung không phải là “làm khó” người chăn nuôi mà mục tiêu chính là hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư lâu dài, bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh và chất lượng sản phẩm. Đây cũng là điều kiện sống còn cho chăn nuôi hiện nay. Vì thời gian tới, ngay cả thị trường dễ tính là Trung Quốc cũng sẽ chỉ nhập heo đã giết mổ với những yêu cầu khắt khe về chất lượng cũng như truy xuất được nguồn gốc.

Khu LPZ có quy mô rộng trên 162 hécta, trong đó diện tích chăn nuôi là gần 31 hécta (chiếm gần 19% tổng diện tích).

Hiện khu thí điểm này đã thu hút được 60 hộ chăn nuôi với tổng đàn heo khoảng 6.500 con, trong đó đa số là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô từ vài chục đến vài trăm con heo. Nhưng tập trung đông nhất vẫn là các hộ có vài chục con heo.

Theo dự kiến, số hộ chăn nuôi tại Khu LPZ là 120 hộ. Quy mô chăn nuôi tiêu chuẩn của Khu LPZ yêu cầu khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi không quá 30% diện tích. Diện tích đất còn lại được phân bố cho các hoạt động, như: xử lý môi trường, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Các hộ chăn nuôi trong Khu LPZ phải thực hiện theo quy hoạch từ khâu xây dựng chuồng trại đến quy trình nuôi an toàn; xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi...Nhờ đó, tuy là khu quy hoạch chăn nuôi tập trung nhưng không xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi.

Ông Mai Thanh Chu, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 02 trong khu dự án, vui vẻ khoe: “Tuy là khu chăn nuôi tập trung nhưng vùng này không khí rất thoáng đãng, không bị ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường xung quanh bởi chất thải chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi trong vùng đều được hỗ trợ xây dựng hầm biogas xử lý chất thải. Đường sá cũng được đầu tư khang trang, sạch đẹp, điện được kéo về tận nơi phục vụ sản xuất”.

Ông Lã Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Gia Tân 2, chia sẻ: “Từ khi triển khai đến nay, đại diện của Ngân hàng Thế giới đã về địa phương 7 lần khảo sát, kiểm tra mới chọn đầu tư. Chúng tôi đã đưa họ đến từng hộ dân xác nhận sự đồng tình của dân với dự án. Trong đó, điểm nổi bật là đầu tư về cơ sở hạ tầng cho vùng chăn nuôi được thực hiện sớm và tập trung”.

Từ năm 2015 Khu LPZ đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, gồm các hạng mục: hệ thống đường, điện, hệ thống thoát nước với tổng đầu tư trên 16 tỷ đồng.

* Cơ hội cho chăn nuôi nhỏ

Ông Vũ Viết Đệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 01, tổ đi tiên phong được chứng nhận VietGAHP của Khu LPZ, cho hay: “Các hộ chăn nuôi đều đồng thuận vào khu quy hoạch tập trung vì được hỗ trợ rất nhiều từ dự án. Chúng tôi cũng ý thức rất rõ trong giai đoạn hiện nay nếu không vào quy hoạch, không tham gia vào chuỗi chăn nuôi an toàn để sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, liên kết doanh nghiệp bao tiêu thì khó mà tồn tại được. Tín hiện vui là sản phẩm VietGAHP của các tổ viên bán ra thường cao hơn 1-2 giá so với giá heo thường”.

Các hộ chăn nuôi trong Khu LPZ đều đồng thuận và cho rằng việc vào khu quy hoạch chăn nuôi tập trung là cơ hội để chăn nuôi nhỏ lẻ tồn tại được trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của người chăn nuôi là được hỗ trợ để có đầu ra bền vững cho heo sạch.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp  - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, khẳng định: “Để chăn nuôi phát triển bền vững thì phải giải quyết được vấn đề đầu ra. Địa phương rất mong thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi nhằm tạo được sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học để hình thành được chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi từ khâu con giống, chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,968       2/1,134