Kinh tế

Liên kết để cùng thắng

Gần 7 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp bao bì, ông Thái Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sao Lam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) đã tìm cho mình hướng đi mới trong đầu tư làm ăn, một phương án mà "mọi người cùng thắng".

Gần 7 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp bao bì, ông Thái Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sao Lam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) đã tìm cho mình hướng đi mới trong đầu tư làm ăn, một phương án mà “mọi người cùng thắng”.

Ông  Thái Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sao Lam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu).
Ông Thái Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sao Lam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu).

* Làm bao bì công nghiệp

Sau một thời gian đi làm thuê cho các doanh nghiệp, trải qua nhiều ngành nghề, năm 2010 ông Đức quyết định thực hiện ước mơ của mình là bước vào lĩnh vực sản xuất bao bì cho ngành công nghiệp. Sản phẩm mà ông nhắm đến là loại bao bì phục vụ cho các doanh nghiệp, như: sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao bì xi măng, bao bì nông sản xuất khẩu…

Ông Đức chia sẻ: “Không như bao bì giấy hay bao bì thông thường khác, dòng sản phẩm dành cho lĩnh vực công nghiệp ít người biết đến. Để tiêu thụ mặt hàng này, việc sản xuất không theo tính đại trà mà phải theo nhu cầu đơn đặt hàng của khách”.

Ở thời điểm ban đầu, ông Đức chỉ cung cấp hàng cho một vài đơn vị quen, sản phẩm khi đưa ra thị trường lấy chất lượng tốt để cạnh tranh. Sau đó theo hình thức “vết dầu loang”, ông mở rộng dần địa bàn phân phối. Cho đến nay sản phẩm của doanh nghiệp ông Đức đã có mặt trên toàn quốc. Không chỉ vậy, từ năm ngoái đến nay ông Đức còn nhận được đơn đặt hàng từ Hàn Quốc.

* Cạnh tranh gắt gao

Theo ông Đức, làm hàng xuất khẩu hiện đang phải cạnh tranh vô cùng gay gắt với sản phẩm của Trung Quốc. Đây là quốc gia có ngành công nghiệp hỗ trợ tốt nên có những lợi thế như nguyên liệu giá rẻ, vì vậy giá sản phẩm rất cạnh tranh. “Theo tôi được biết, các chủ doanh nghiệp Trung Quốc bằng nhiều hình thức thăm dò năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam rồi từ đó đưa ra những lợi thế để cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam” - ông Đức nói.

Trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, ông Đức phát hiện ra nếu không có sự liên kết thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị yếu thế và không thể phát triển được. Đơn cử, doanh nghiệp ông chỉ sản xuất dòng sản phẩm bao jumbo trong khi khách hàng lại có nhu cầu cả những sản phẩm khác như bao PP dệt thường, bao ghép màng opp. Kích cỡ sản phẩm phải đa dạng, từ loại túi 100g đến loại túi có khả năng đựng 2 tấn hàng. Có những khách đặt số lượng sản phẩm rất ít vẫn phải cung cấp để giữ khách.

Giải quyết vấn đề này, ông Đức đã nghĩ ra phương án sản xuất liên kết. Ông đã đi đàm phán và liên kết với nhiều doanh nghiệp khác để đảm bảo cung cấp đủ các loại sản phẩm khách hàng yêu cầu từ đơn hàng nhỏ đến đơn hàng lớn và cùng một lúc nhiều chủng loại. Theo ông Đức, hợp tác theo hình thức này các doanh nghiệp đỡ được phần vốn đầu tư, trong khi đó vẫn yên tâm kiểm soát được chất lượng sản phẩm theo ý của mình, không như hàng mua trôi nổi. Mô hình này khá hiệu quả và ông đang tiếp tục phát huy, đặc biệt là để đối phó với hàng ngoại nhập từ Trung Quốc.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,984       2/1,136