Từng được xem là "vùng rốn lũ" bởi những năm trước đây, mỗi khi mưa lớn, nước sông Đồng Nai dâng cao, nhiều diện tích đất canh tác của bà con ấp 5, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) bị ngập sâu trong nước.
Từng được xem là “vùng rốn lũ” bởi những năm trước đây, mỗi khi mưa lớn, nước sông Đồng Nai dâng cao, nhiều diện tích đất canh tác của bà con ấp 5, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) bị ngập sâu trong nước.
Ông Nguyễn Thành Phát (ấp 5, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) chăm sóc vườn cây ăn trái. |
Chỉ ít năm trở lại đây nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.
* Hết thời “chạy lũ”
Những năm trước, khu vực ấp 5 của xã Tà Lài về mùa mưa thường xuyên bị ngập úng do nước sông Đồng Nai từ thượng nguồn đổ về, nhà cửa, cây trồng của bà con nơi đây thiệt hại rất nặng. Do vậy, hầu hết những hộ dân sinh sống tại khu vực này đa số thuộc diện hộ nghèo. Nhưng từ khi các công trình thủy điện phía đầu nguồn chặn dòng thì khu vực này hết cảnh chạy lũ và có nhiều đổi thay. Nhiều khu vườn được bà con chuyển sang trồng cây có múi như: bưởi, cam, quýt, măng cụt… với lợi nhuận khá cao.
Ông Nguyễn Thành Phát (ấp 5, xã Tà Lài) là một trong những nông dân đến lập nghiệp tại đây từ lâu. Diện tích vườn của ông chỉ có 1 hécta, nằm sát bên bờ sông Đồng Nai nên mùa mưa hàng năm đều phải chạy lũ, vườn cây chủ yếu chỉ trồng những cây như: mít, điều, chuối... với lợi nhuận thấp. Nhưng từ khi vùng đất này hết ngập lụt, ông chuyển sang trồng cây có múi nên thu nhập tăng cao hơn. Từ một hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ, nay ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang. Bình quân mỗi năm, vườn cây của ông cho thu nhập 600 - 700 triệu đồng.
Ông Phát cho biết: “Vườn cây của tôi gồm: bưởi da xanh, cam sành, quít đường... Trong đó, diện tích bưởi da xanh chiếm chủ yếu. Đây là loại cây có quả đang giữ kỷ lục về giá, hiện cắt tại vườn luôn có giá từ 40-45 ngàn đồng/kg và có thời điểm tăng vọt lên 50-60 ngàn đồng/kg. Với giá trên, thì 1 hécta trồng cây có múi ở đây cho tôi thu về bình quân mỗi năm từ 600 triệu đồng và sau khi trừ chi phí, gia đình thu trên dưới 500 triệu đồng”.
* Đầu tư chuyên sâu cây có múi
Tương tự, anh Đặng Phước Nguyên là một thanh niên mới lập nghiệp tại vùng đất này từ năm 2008. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh bắt tay trồng bưởi da xanh và cam. Anh Nguyên cho biết: “Gần đây tôi chuyển sang trồng cây ăn trái như: bưởi, quýt và cam. Nhờ vùng đất này có nguồn phù sa dồi dào nên cây phát triển rất tốt. Hiện vườn mới cho thu bói nhưng 2 năm nay bình quân mỗi năm trừ mọi cho phí cũng thu được hơn 50 triệu đồng”.
Ông Lê Hữu Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Tà Lài, cho biết: “UBND xã đã vận động bà con thành lập hợp tác xã. Trước mắt đã có 12 thành viên tham gia, từ đó có hướng cho bà con sản xuất sản phẩm trái cây sạch, an toàn theo hướng VietGAP, qua đó sẽ tạo điều kiện cho đầu ra của sản phẩm, tránh tình trạng chạy theo phong trào có thể gây khủng hoảng thừa”.
Theo thống kê của UBND xã Tà Lài, hiện nay toàn xã đã có trên 250 hécta cây ăn trái. Bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 50-60 ngàn tấn trái, doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng. Phát huy thế mạnh của cây có múi, chính quyền địa phương đang nghiên cứu về lợi thế từng khu vực để xây dựng vùng cây chuyên canh sao cho phù hợp cả về điều kiện tự nhiên và trình độ thâm canh của người dân. Qua đó, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần rất lớn cho sự phấn đấu trở thành xã nông thôn mới.
Lê Chương