Kinh tế

Kỳ vọng vào thủy sản

6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất thủy sản của Đồng Nai đạt trên 911 tỷ đồng, tăng trên 5,8% so với cùng kỳ năm trước, đứng đầu về mức tăng trưởng so với các ngành khác.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng kỹ thuật mới phủ bạt đáy ao và phủ lưới trên mặt ao đang thu hút nông dân đầu tư vì cho lợi nhuận cao.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng kỹ thuật mới phủ bạt đáy ao và phủ lưới trên mặt ao đang thu hút nông dân đầu tư vì cho lợi nhuận cao.

Thủy sản đang là lĩnh vực được trông đợi đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, nuôi tôm nước lợ đang đứng đầu về giá trị kinh tế so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác. Đồng Nai rất quan tâm và có nhiều chính sách để khuyến khích nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững.

* Tăng trưởng đứng đầu

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt mức tăng trưởng thấp là 2,48% so với mức tăng trưởng bình quân mọi năm là khoảng 4%/năm.

Các lĩnh vực thế mạnh của Đồng Nai đều đạt mức tăng trưởng thấp do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết và nhất là yếu tố thiếu bền vững trong thị trường tiêu thụ khiến nhiều mặt hàng rớt giá. Cụ thể, chăn nuôi chỉ đạt mức tăng trưởng 2,59%, trồng trọt tăng 1,5%. Trong khi đó, sản xuất thủy sản vẫn giữ ổn định mức tăng trưởng trên 5,8% và đang đứng đầu về mức tăng trưởng trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, an toàn đang được tỉnh tập trung thực hiện. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai hàng loạt các hoạt động, như: khảo sát, đánh giá chất lượng, khả năng sinh trưởng và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi hàu tại huyện Nhơn Trạch. Đây là mô hình nuôi trồng mới, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.

Đồng Nai cũng đang tích cực triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển ngành thủy sản. Nổi bật là dự án đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch); hỗ trợ thực hiện quy trình sản xuất và cấp chứng nhận VietGAP cho vùng nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú).

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng, kinh doanh vật tư thủy sản trong quá trình nuôi; quan tâm kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản, nhất là kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm tồn dư trong sản phẩm thủy sản nuôi.

* Phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững

Nuôi tôm nước lợ đang đứng đầu về thu nhập trong ngành nuôi trồng thủy sản. Tại các địa phương có thế mạnh nuôi tôm nước lợ, như: Long Thành, Nhơn Trạch đang tập trung chuyển đổi sang nuôi tôm nước lợ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để phát triển theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Yên, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch), cho biết hiện toàn xã phát triển được trên 20 hécta nuôi tôm nước lợ chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả. Thực tế đã chứng minh, nuôi tôm cho lợi nhuận gấp 10 lần trồng lúa. Địa phương có khoảng 200 hécta đất lúa nằm ở ven sông Đồng Nai phù hợp chuyển đổi sang nuôi thủy sản nước lợ.

Xã Phú Hữu đang tập trung hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng công nghệ mới là phủ bạt đáy ao nhằm giảm rủi ro dịch bệnh vừa tăng năng suất, chất lượng con tôm nuôi.

“Xã đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng vùng chuyên canh nuôi tôm nước lợ, nhất là ưu tiên kéo đường điện phục vụ sản xuất. Xã cũng đã kết nối với phía ngân hàng hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư, bên khuyến nông cũng đưa kỹ sư về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân” - ông Nguyễn Thanh Yên nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân đi tiên phong chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp và ứng dụng kỹ thuật mới tại xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), chia sẻ: “Mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao và phủ lưới trên mặt ao đã chứng minh được hiệu quả trong thực tế sản xuất, giúp người nuôi tôm xử lý tốt nguồn nước nuôi nên con tôm phát triển nhanh, giảm rủi ro dịch bệnh. Hiện mô hình này thu hút rất nhiều nông dân đầu tư”.

Theo nông dân nuôi tôm nước lợ, khoảng 3 tháng vừa qua giá tôm thẻ đứng ở mức thấp khiến người nuôi tôm gặp khó khăn. Tuy nhiên, mức giá bình quân của các sản phẩm thủy sản nước lợ từ đầu năm đến nay vẫn đạt mức cao hơn so với cùng kỳ mọi năm. Giá tôm thẻ hiện đã khôi phục trở lại và người nuôi tôm vẫn kỳ vọng một mùa bội thu về cả sản lượng và giá cả trong thời gian tới.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,088,991       1/1,131