Vừa qua, trên một số tờ báo và mạng xã hội lan truyền thông tin về việc dưới đáy sông Đồng Nai có dioxin rất lớn, khiến người dân đang sử dụng nước từ sông Đồng Nai rất lo lắng và bất an vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường. Ảnh: K.Minh |
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức.
Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng những khu vực bãi bồi dưới lòng sông Đồng Nai bị nhiễm chất độc da cam (dioxin) tích tụ từ trước năm 1975, điều này có đúng không?
- Hàng năm, Sở Tài nguyên - môi trường đều thực hiện việc quan trắc các thành phần môi trường, như: nước mặt, trầm tích, nước ngầm dưới đất, không khí và đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để kịp thời đánh giá chất lượng nước mặt, nước ngầm, đất, không khí. Những thông tin này đều được công bố rộng rãi trên website của sở để mọi người cùng biết và đây là cơ sở để khuyến cáo cho những khu vực bị ô nhiễm có những biện pháp để bảo vệ, cải tạo môi trường được tốt hơn.
Trong năm 2016, Sở Tài nguyên - môi trường đã thực hiện nhiệm vụ quan trắc trầm tích tại các vị trí trên sông Đồng Nai. Kết quả phân tích hàm lượng dioxin trong lõi trầm tích tại 7 vị trí trên sông Đồng Nai có phát hiện dioxin nhưng hàm lượng rất thấp, dao động từ 1,2-3,7 ppt, thấp hơn khoảng 6-18 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép. Cụ thể là theo Quy chuẩn Việt Nam 43:2012/BTNMT thì ngưỡng cho phép là 21,5ppt. Với kết quả phân tích như trên, không thể nói trầm tích sông Đồng Nai tại các khu vực này bị ô nhiễm dioxin nặng nề như thông tin lan truyền trên mạng.
Những khu vực nào phát hiện ra có dioxin trong lõi trầm tích dưới đáy sông Đồng Nai?
- Từ kết quả quan trắc, phát hiện 7 vị trí trên sông Đồng Nai có dioxin là: Nhà máy nước Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), Bến đò Biên Hòa - Bửu Long, cầu Hóa An, Nhà máy nước Biên Hòa, Cù lao Cỏ, Cù lao Hiệp Hòa, Cù lao Ba Xê (TP.Biên Hòa), nhưng lượng dioxin rất thấp, dưới ngưỡng cho phép rất nhiều nên không đáng lo ngại.
Như vậy, người dân lưu vực sông Đồng Nai lo lắng dioxin trong lớp trầm tích dưới đáy sông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe là thái quá?
- Có thể khẳng định như vậy. Như tôi đã nói ở trên, kết quả phân tích lớp trầm tích dưới đáy sông Đồng Nai tuy có dioxin nhưng thấp hơn nhiều lần so với ngưỡng cho phép, nên người dân có thể yên tâm sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai mà không cần lo lắng thái quá. Mới đây, Sở Tài nguyên - môi trường cũng đã có văn bản số 4115 gửi các cơ quan báo, đài trả lời về vấn đề này để thông tin đến người dân, tránh tình trạng không biết cụ thể sẽ hoang mang.
Để theo dõi, giám sát chất lượng nước mặt sông Đồng Nai đoạn chảy qua những khu vực lấy nước thô cấp cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt, tỉnh đã xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt 2 tháng/lần với tất cả 28 thông số theo quy chuẩn nước mặt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước mặt tự động tại các vị trí: Xí nghiệp nước Vĩnh An, Nhà máy nước Biên Hòa - Trị An, Nhà máy nước Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), Nhà máy nước Biên Hòa (TP.Biên Hòa) để theo dõi chất lượng nước 24/24 giờ và công bố kết quả trên website của Sở Tài nguyên - môi trường. Những năm gần đây, chất lượng nước sông Đồng Nai đang tốt dần lên, đảm bảo yêu cầu về cấp nước sinh hoạt.
Việc lấy mẫu và phân tích trầm tích trên sông Đồng Nai được những đơn vị nào thực hiện? Nguyên nhân có dioxin trong lớp trầm tích là từ đâu, thưa ông?
- Quá trình lấy mẫu trầm tích ở đáy sông Đồng Nai và phân tích được nhiều cơ quan thuộc tỉnh, Trung ương cùng thực hiện. Đó là Trung tâm Quan trắc - kỹ thuật môi trường tỉnh phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, Trường đại học khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội), Trung tâm Phân tích - Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm Môi trường - sinh thái ứng dụng thực hiện. Những phân tích dựa vào Quy chuẩn Việt Nam 43/2012/BTNMT quy chuẩn quốc gia về chất lượng trầm tích. Trong đó, các cơ quan chức năng đã phân tích 19 thông số, bao gồm cả thông số dioxin cho nên kết quả trên rất đáng tin cậy.
Việc tích tụ dioxin trong lớp trầm tích dưới đáy sông Đồng Nai tại 7 địa điểm nêu trên có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân xuất phát từ việc phun rải hóa chất trừ cỏ do quân đội Mỹ đã thực hiện trong chiến tranh (trước năm 1975). Tuy nhiên, để khẳng định chính xác điều này cần phải có những nghiên cứu đánh giá và chứng minh rõ ràng hơn.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Minh (thực hiện)