Kinh tế

Điện máy thuần Việt rút khỏi thị trường?

Thị trường điện máy Việt Nam ngày càng vắng bóng các thương hiệu thuần Việt, thay vào đó là những thương hiệu nổi tiếng của những tập đoàn đa quốc gia, như: Samsung, Panasonic, Sharp, Toshiba, Sony, LG... Gần đây, hàng điện máy nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản về Việt Nam ngày một nhiều.

Khách hàng chọn mua sản phẩm điện máy tại đại lý Minh Dương xã Hóa An (TP.Biên Hòa).
Khách hàng chọn mua sản phẩm điện máy tại đại lý Minh Dương xã Hóa An (TP.Biên Hòa).

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản và Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã không sản xuất hàng điện máy tại Việt Nam nữa mà luân chuyển hàng hóa từ các nước trên về Việt Nam.

* Hàng nhập chiếm lĩnh

Hiện nay, hàng điện máy xuất xứ Việt Nam thực sự còn rất ít, chỉ chiếm thị phần không đáng kể. Số còn lại phần lớn thuộc các tập đoàn đa quốc gia có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, còn những doanh nghiệp điện máy thuần Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khảo sát tại các trung tâm, siêu thị, cửa hàng điện máy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cho thấy hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm thị phần rất lớn. Có những dòng sản phầm, như: tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt hàng nhập khẩu chiếm đến 80-90%. Người tiêu dùng rất tin tưởng lựa chọn vì an tâm với chất lượng và giá cả cũng khá cạnh tranh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, quản lý Siêu thị điện máy - nội thất Chợ Lớn (huyện Trảng Bom), cho hay: “Gần đây, nhiều thương hiệu điện máy của các tập đoàn đa quốc gia, như: Samsung, Sharp, Sony... có xu hướng luân chuyển hàng hóa từ Thái Lan, Malaysia về Việt Nam khá nhiều. Giá của hàng nhập khẩu cũng tương đương hoặc cao hơn một chút so với hàng trong nước. Với các dòng tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt,  khách hàng thích mua hàng nhập khẩu từ Thái Lan hơn”. Đại diện cửa hàng điện máy Tuấn Phát (ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Hàng điện máy của các doanh nghiệp thuần Việt không còn nhiều. Những mặt hàng tủ lạnh, nồi cơm điện, máy giặt, máy lạnh, quạt điện, ấm siêu tốc hàng nhập khẩu chiếm đến trên 80 - 90%”.

Theo các cửa hàng, siêu thị điện máy trên địa bàn tỉnh thì nhiều thương hiệu lớn đang chiếm lĩnh thị trường gồm: Samsung, Sony, Sharp, Toshiba... đang có xu hướng dịch chuyển hàng hóa sản xuất trong những nước thuộc khối ASEAN vì hiện tại không còn thuế xuất nhập khẩu. Vì vậy, mặt hàng điện máy từ các nước vào Việt Nam cũng nhiều và ngược lại, hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu ra các nước trong khối cũng tăng. Nếu như hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc các nước trong khối ASEAN xấp xỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với hàng sản xuất tại Việt Nam thì người tiêu dùng thường chọn mua hàng nhập khẩu nhiều hơn.

* Thương hiệu thuần Việt ít dần

Khoảng 6 năm trở về trước, trên thị trường điện máy Việt Nam những thương hiệu thuần Việt còn khá nhiều thì hiện nay khá hiếm hoi. Khoảng 5 thương hiệu điện máy thuần Việt lớn được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến là: Sunhouse, Gowell, Goldsun, VNTech và Asanzo. Tuy nhiên, những thương hiệu thuần Việt trên chủ yếu sản xuất mặt hàng điện gia dụng là nồi cơm điện, bếp điện từ, lò nướng điện, bàn ủi, ấm đun nước siêu tốc, bếp điện, máy xay sinh tố, quạt điện.  Còn những mặt hàng máy giặt, tủ lạnh, máy lạnh, tivi gần như thiếu vắng những thương hiệu thuần Việt.

Ông Vũ Minh Dương, chủ một đại lý điện máy ở khu vực xã Hóa An (TP.Biên Hòa), nói: “Trên lĩnh vực điện máy hàng thuần Việt ngày càng giảm dần, đặc biệt các dòng điện lạnh gần như vắng bóng hàng những doanh nghiệp thuần Việt. Hàng điện lạnh gần 90% là nhập khẩu, số còn lại mang xuất xứ Việt Nam nhưng hầu hết của các doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy lắp ráp tại Việt Nam”.

Các mặt hàng điện máy xuất xứ từ Trung Quốc tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm điện máy ở Đồng Nai còn rất ít vì khách hàng không an tâm và thiếu tin tưởng về chất lượng dù giá khá rẻ, chỉ bằng 60-70% hàng nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Tôi làm công nhân, đồng lương có hạn nhưng khi phải mua sắm một số mặt hàng điện gia dụng, tôi chọn hàng nhập khẩu từ Thái Lan hoặc sản xuất tại Việt Nam nhưng của những thương hiệu nổi tiếng. Giá có mắc hơn so với hàng Trung Quốc 30-40% nhưng an tâm về chất lượng hơn” - chị Lê Thị Hòa (ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa) nói. Thực tế, hàng điện máy trên thị trường hiện nay rất nhiều. Để giành thị phần, các thương hiệu lớn luôn có những chính sách giảm giá thường xuyên. Đồng thời, các tập đoàn đa quốc gia đã chú ý sản xuất hàng hóa ở cả 3 phân khúc dành cho người thu nhập thấp, trung bình và cao cấp nên phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Hàng điện máy nhập khẩu ở các phân khúc giá tương đối cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước nên người tiêu dùng lựa chọn hàng nhập khẩu ngày một nhiều.

Theo dự đoán của các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ thì riêng mặt hàng điện máy nhập khẩu về Việt Nam sẽ còn tiếp tăng.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,089,839       2/1,131