Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) - nơi được đánh giá là "viên ngọc" của phía Nam - đang được UBND TP.Biên Hòa lập quy hoạch.
Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) - nơi được đánh giá là “viên ngọc” của phía Nam - đang được UBND TP.Biên Hòa lập quy hoạch. Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia rất trăn trở cho diện mạo của vùng đất đặc biệt này. Người dân TP.Biên Hòa cũng hết sức quan tâm bởi Cù lao Phố được xem là “lá phổi” của TP.Biên Hòa, và quan trọng hơn Cù lao Phố có một bề dày đáng kể về văn hóa - lịch sử.
Một góc Cù lao Phố (đoạn chùa Ông) nhìn từ phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) sang. |
PGS.TS Huỳnh Văn Tới nhận định, cù lao Phố không giống như các Cù lao khác, bởi hồn của địa danh này nằm ở chỗ “Phố”, tức là phố thị. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử, do đó khi phát triển đô thị phải ứng xử ra sao?
* Làm sao “vẹn đôi đường”?
Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, cho biết rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đi trên cầu Đồng Nai nhìn về Cù lao Phố đều ao ước, nếu được đầu tư thì sẽ biến nơi đây như một “Hong Kong thu nhỏ”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng, người nghiên cứu khá kỹ về Biên Hòa, nếu xây dựng Cù lao Phố theo hướng hiện đại sẽ khắc phục được tính lộn xộn, song lại khó cho bảo tồn không gian văn hóa - lịch sử nơi này, còn quy hoạch theo hướng bảo tồn văn hóa lại khó phát triển được đô thị tiên tiến. “Cù lao Phố thực tế hiện nay khá lộn xộn và mới chỉ ở mức “bán đô thị”, tức nửa đô thị nửa thôn quê, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân sinh sống từ quê đi lên” - ông Trảng nói. Và ông cho rằng, cần có một “kịch bản” thứ 3 dung hòa giữa 2 yếu tố trên, đây được xem là kiểu quy hoạch chiết trung, tức là vừa phát triển nhưng vẫn giữ giá trị văn hóa - lịch sử cho Cù lao Phố. Theo đó, các di tích lịch sử cần phải được chọn lựa rất rõ ràng để bảo tồn, thêm nữa là khi làm quy hoạch phải chú ý đến đời sống người dân địa phương.
Đồng quan điểm này, kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng không gian Cù lao Phố trong khi làm quy hoạch không đơn thuần chỉ là giá trị kiến trúc cổ mà phải chú ý đến giá trị lịch sử hình thành hơn 300 năm. Ông Khương Văn Mười cũng đề xuất, cần có đánh giá đầy đủ cả về hệ sinh thái cảnh quan, từ đó xem xét nên giữ lại những gì, bỏ đi những gì. Đơn cử, kể cả với cây xanh khi có đánh giá đầy đủ sẽ thấy được lượng cây xanh bao nhiêu là vừa, bao nhiêu là ít. Ông cũng nhấn mạnh, dù quy hoạch thế nào thì đời sống dân cư phải được chú ý. “Tính toán cho việc bảo tồn ở Cù lao Phố không chỉ nằm ở khía cạnh vật thể mà còn cả phi vật thể nữa. Tôi nghĩ cần phải tổ chức nhiều buổi hội thảo hoặc tọa đàm chuyên đề cho quy hoạch cù lao này mới có được một đồ án quy hoạch tốt được” - ông Khương Văn Mười chia sẻ.
* Ý tưởng về quảng trường nước
Theo TS. Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai, quy hoạch Cù lao Phố cần tính liên kết với không gian chung quanh như khu Tân Mai, Châu Thới và không thể tách riêng một mình cù lao được. Nếu cù lao có một quy hoạch tốt sẽ ảnh hưởng tích cực đến các khu vực hạ lưu của sông Đồng Nai. Ông Quyết cũng nhấn mạnh, việc quy hoạch cho cù lao phải được tính toán cho hàng trăm năm sau, vì vậy không thể dễ dãi. Ông Quyết nói: “Mỗi thời kỳ Cù lao Phố có một sứ mệnh riêng, khoác trên mình một chiếc “áo”. Cụ thể, trước đây là thương cảng, qua thời Pháp, Mỹ và tới đây sẽ khoác một chiếc áo mới, chiếc áo đó là gì thì cần cân nhắc”.
Đi vào cụ thể cho quy hoạch ở đây hơn, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, hội viên Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, lưu ý khi lập quy hoạch cần lấy khu dân cư và người dân nhiều đời ở đây làm chủ thể. Đặc biệt, ở cù lao này không được để tình trạng loang lổ, phân lô bán nền vì sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể.
Theo ông điểm giao giữa nhánh sông Cái và sông Đồng Nai được xem như một “quảng trường nước” và dọc theo bờ sông cần phát triển khu vực Tân Vạn, Chợ Đồn làm đối trọng của cù lao sẽ tạo ra sự hài hòa. “Tôi chưa thấy ở đâu có một không gian nước đẹp như ở đây, khúc sông này như là một quảng trường nước rất độc đáo, và chúng ta nên xem xét khía cạnh này” - ông Nguyễn Văn Tất nói. Cũng theo ông, cầu An Hảo đúng ra phải được xây dựng cách đây 20 năm để hệ thống giao thông được mở cho cù lao. Việc mở những tuyến đường đi qua các mảng xanh cũng cần thận trọng bởi rất dễ vỡ quy hoạch. Trong thực tế, khi đường mở ra là dân cư sẽ phát triển dọc theo đường, lúc đó khó giữ được mảng xanh. Ông Tất cũng cho rằng phát triển ở đây nên chọn hướng mặt phố là đường nhưng hậu phải là xanh, như thế sẽ hài hòa được cả bài toán phát triển kinh tế.
Đánh giá về công tác lập quy hoạch cho cù lao Phố, theo ông Tất cần phải là những người am hiểu vùng đất này, còn không sẽ khó “tiêu hóa” nổi vì đây là vùng đất có chiều sâu về văn hóa - lịch sử, kết nối giữa cũ và mới và là một vị trí rất quan trọng của TP.Biên Hòa.
Khắc Giới