Kinh tế

Công nghiệp hỗ trợ vẫn ì ạch

Đồng Nai hiện có gần 600 doanh nghiệp (DN) sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, gần 90% có quy mô nhỏ và vừa, thiếu sự kết nối cung - cầu sản phẩm nên gặp rất nhiều khó khăn.

Sản xuất nút áo tại Công ty TNHH Hòa Mỹ (huyện Vĩnh Cửu). Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu, còn doanh nghiệp trong nước lại phải nhập khẩu mặt hàng này từ nước ngoài về.
Sản xuất nút áo tại Công ty TNHH Hòa Mỹ (huyện Vĩnh Cửu). Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu, còn doanh nghiệp trong nước lại phải nhập khẩu mặt hàng này từ nước ngoài về.

Có 3 vấn đề lớn mà nhiều DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đang cần sự hỗ trợ để có thể phát triển ổn định là: vốn, mặt bằng sản xuất và kết nối để có đầu ra thuận lợi cho sản phẩm. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này, nhưng rất ít DN tiếp cận được.

*Yếu nhiều lĩnh vực

Tại hội nghị về công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 4-8-2017, các tỉnh, thành phía Nam đều đề nghị bộ làm đơn vị đầu mối thành lập trung tâm phân phối công nghiệp hỗ trợ tại TP.Hồ Chí Minh, giới thiệu sản phẩm của các tỉnh thành để kết nối với các DN sản xuất; đồng thời xây dựng dữ liệu sản xuất công nghiệp hỗ trợ để các tỉnh, thành thu hút đầu tư cho phù hợp; đơn giản các thủ tục hành chính để DN dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Sở Công thương, để thu hút các DN trong nước, nước ngoài đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ nhiều hơn, UBND tỉnh đã thành lập 3 phân khu phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp (KCN), gồm: phân khu công nghiệp hỗ trợ rộng 114 hécta nằm trong KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom), phân khu An Phước ở KCN An Phước (huyện Long Thành) rộng 47 hécta và phân khu trong KCN Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) khoảng 100 hécta.

Ngoài ra, các KCN cũng thu hút DN công nghiệp hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng các DN hỗ trợ gặp khó về mặt bằng sản xuất vì không đủ tài chính để thuê đất xây dựng nhà xưởng trong các KCN nên cũng mất đi nhiều cơ hội kết nối cung - cầu.

“Một số KCN tại Đồng Nai đã xây dựng sẵn nhà xưởng cho những DN vừa và nhỏ thuê. Tuy nhiên, ít DN công nghiệp hỗ trợ trong nước thuê được vì giá từ 3,5-5 USD/m2/tháng. Để thuê 1 nhà xưởng 500-1.000 m2 trong KCN, mỗi tháng DN mất 50-100 triệu đồng, đây là khoản tiền không nhỏ với DN nhỏ. Các phân khu công nghiệp hỗ trợ chủ yếu DN FDI thuê” - ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, nói.

Ông Nguyễn Ngọc Chính, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Chi Ma Sa (TP.Biên Hòa), cho hay: “Chúng tôi chuyên thiết kế, gia công, sản xuất bằng laser, hàn laser. Lĩnh vực này có công nghệ cao, khá mới mẻ nên dù đã tìm được một số khách hàng là DN nước ngoài nhưng vẫn khó khăn về đầu ra. Do đó, mong muốn nhất của chúng tôi là có thể kết nối với các DN trong nước và nước ngoài có nhu cầu để cung cấp sản phẩm”.

Hàng năm, tỉnh có tổ chức xúc tiến thương mại cho các DN hỗ trợ trong nước gặp gỡ với DN nước ngoài trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, kết nối trong tiêu thụ sản phẩm nhưng chưa được nhiều. Vì thế, các DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn rất yếu thế trong việc mở rộng đầu ra.

Một điểm yếu khác của DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ là nguồn vốn có hạn, chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi nên khó đủ khả năng đầu tư được máy móc công nghệ hiện đại nên khó đáp ứng yêu cầu của những DN nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, rất nhiều DN hỗ trợ trong tỉnh vì khó khăn về vốn đành phải thuê, mua đất nông nghiệp ở bên ngoài các KCN, cụm công nghiệp để xây dựng nhà xưởng sản xuất. Điều này cũng dẫn đến họ khó đáp ứng đủ các yêu cầu để được hưởng các ưu đãi về vốn.

* Cần gỡ về chính sách

Trong thực tế, số DN hỗ trợ nhận được chính sách ưu đãi về vốn, mặt bằng là rất ít. Hầu hết DN trên lĩnh vực này đều “tự bơi”, nên nhiều DN sau nhiều năm thành lập vẫn không lớn mạnh nổi. Do đó, các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ không nhiều. 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chủ yếu là DN nước ngoài thuê đất sản xuất.

Ông Vương Trọng Sánh, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), cho biết: “Chính phủ có Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó quy định những ưu đãi dành cho DN đầu tư sản xuất trên lĩnh vực này nhưng ít DN tiếp cận được. Thủ tục để được xét công nhận là DN hỗ trợ rườm rà nên đến nay chưa có DN trong nước nào tại Đồng Nai được hưởng chính sách ưu đãi từ nghị định trên”.

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khuôn Hùng Hưng (TP.Biên Hòa) - Bùi Lan Anh chia sẻ: “Thị trường hiện nay có nhiều biến động nên cơ hội và thách thức thường đi kèm. Để an toàn, công ty chỉ tập trung vào sản xuất đáp ứng những khách hàng truyền thống và chưa có ý định mở rộng vì cạnh tranh không dễ. DN hỗ trợ trong nước phần lớn khó phát triển mở rộng vì thiếu vốn, mặt bằng sản xuất và khó biết trước nhu cầu của thị trường”. Băn khoăn của ông Bùi Lan Anh cũng là nỗi niềm chung của DN hỗ trợ trong nước ở Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,089,008       1/1,132