Doanh nghiệp (DN) Đài Loan là một trong những nhà đầu tư rất sớm và chiếm tỷ trọng khá lớn tại Đồng Nai. Hiện toàn tỉnh có trên 1.700 dự án FDI với tổng vốn trên 30 tỷ USD, riêng DN Đài Loan đã đầu tư gần 290 dự án với số vốn trên 5 tỷ USD.
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Đồng Nai tại hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Nai - FDI Đài Loan thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Đài Loan. |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, cán cân thương mại của Đồng Nai và Đài Loan hiện chênh lệch khá lớn, chủ yếu vẫn là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, trong khi đó nhiều nguyên liệu DN Đồng Nai đã sản xuất được. Chính vì vậy, ngày 28-7 lần đầu tiên Đồng Nai tổ chức hội nghị giao thương giữa DN Đồng Nai và FDI Đài Loan nhằm mục tiêu kết nối để sản phẩm đầu ra của DN Đồng Nai là nguyên liệu sản xuất của nhà sản xuất Đài Loan.
* Nhập khẩu là chính
Theo Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, ngày 29-9 tới, hiệp hội sẽ tổ chức hội nghị DN Đài Loan thường niên với sự tham gia của 300-400 DN Đài Loan. Hiệp hội sẽ tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm cho DN và bày tỏ mong muốn mời các DN Đồng Nai tham gia. DN Đồng Nai quan tâm muốn đăng ký tham gia có thể liên hệ trực tiếp với hiệp hội hoặc đăng ký thông qua Sở Công thương. |
Đồng Nai là thị trường nhập khẩu chính của Đài Loan. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2017, Đồng Nai nhập khẩu từ Đài Loan khoảng 776 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong 2 tháng 5 và 6, mỗi tháng Đồng Nai nhập khẩu khoảng 138 triệu USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là các loại máy móc, thiết bị, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu...
Trong khi đó, Đồng Nai xuất khẩu vào thị trường này lại khá khiêm tốn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Đồng Nai xuất khẩu vào Đài Loan chỉ đạt khoảng 162 triệu USD. Tín hiệu vui là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Đài Loan đang tăng nhanh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu đạt mức tăng trưởng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, giày dép, đồ gỗ...
Nói về mong muốn của các nhà đầu tư của Đài Loan tại Đồng Nai, ông Giản Chí Minh, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, chia sẻ: “Đồng Nai là lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư Đài Loan. Theo thống kê của chúng tôi, thông qua các quốc gia thứ 3, tổng vốn đầu tư thực tế của DN Đài Loan vào Đồng Nai đạt khoảng 8 tỷ USD chứ không dừng lại ở con số thống kê chính thức là 5,2 tỷ USD”.
Khó khăn không nhỏ của DN Đài Loan là nguyên liệu sản xuất chủ yếu vẫn phải nhập khẩu khiến chi phí bị đội lên. DN Đài Loan mong muốn mở rộng hợp tác với DN Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa trong sản xuất để có giá thành cạnh tranh nhất.
* Tăng sử dụng nguyên liệu nội địa
Theo ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, các DN tham gia hội nghị giao thương giữa DN Đồng Nai - FDI Đài Loan đều được sàng lọc để chọn đơn vị có uy tín và năng lực nhất. Dịp này, DN 2 bên gặp gỡ, cùng ngồi lại bàn bạc để mở ra cơ hội hợp tác. Sở Công thương sẽ tiếp tục tập trung vào công tác ghi nhận, sàng lọc, liên tục cập nhật thông tin mới về DN trên website của sở. Qua hội nghị giao thương, cả DN Đồng Nai và FDI Đài Loan có kênh thông tin để mở rộng cơ hội hợp tác. |
Cũng theo ông Giản Chí Minh: “Tôi cũng là chủ DN trong lĩnh vực xây dựng. Tại hội nghị giao thương, nhiều sản phẩm DN Đồng Nai giới thiệu, công ty tôi đều có nhu cầu đặt hàng. Các sản phẩm của DN Việt Nam phát triển nhanh và rất tiến bộ. DN Đài Loan mong muốn DN Đồng Nai trở thành nhà cung ứng không chỉ về nguyên vật liệu sản xuất mà cả về nhân công và nhiều dịch vụ, sản phẩm khác”.
Cùng mong muốn bắt tay hợp tác với DN Đồng Nai, ông Peter Wu, Tổng giám đốc Công ty hữu hạn kim loại Sheng Bang (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), giới thiệu: “Hiện DN có trên 500 lao động, chuyên sản xuất các thiết bị y tế xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Chúng tôi dự kiến mở rộng thêm nhà máy sản xuất và rất mong tìm được nhà cung cấp nguyên phụ liệu tại địa phương để giảm nhập khẩu”.
Theo một số DN Đài Loan, thực tế DN Đài Loan đã có nhiều giao dịch làm ăn với DN Việt Nam nhưng sự hợp tác này vẫn thiếu tính bền vững. Ông Lai Hồng Chương, Thư ký trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, cho hay: “Tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của DN Đồng Nai tại hội nghị giao thương, chúng tôi thấy có nhiều sản phẩm mà DN Đài Loan cần. Trước đây, DN giữa 2 bên cung chưa gặp cầu vì thiếu kênh kết nối. DN Đài Loan mong muốn Sở Công thương làm đầu mối giới thiệu cho chúng tôi những doanh nghiệp sản xuất có năng lực và uy tín”.
Bình Nguyên