Kinh tế

Diện mạo mới của suối Săn Máu

Sau gần 5 năm thi công, dự án nạo vét suối Săn Máu ở TP.Biên Hòa đã "biến" dòng suối ngày trước đen ngòm, đầy rác bốc mùi hôi nồng nặc trở nên sạch đẹp. Sự hồi sinh của dòng suối đã góp phần đem lại cảnh quan môi trường cho thành phố…

Sau gần 5 năm thi công, dự án nạo vét suối Săn Máu ở TP.Biên Hòa đã “biến” dòng suối ngày trước đen ngòm, đầy rác bốc mùi hôi nồng nặc trở nên sạch đẹp. Sự hồi sinh của dòng suối đã góp phần đem lại cảnh quan môi trường cho thành phố…

Người dân câu cá thư giãn tại suối Săn Máu, đoạn gần cầu Đồng Tràm (phường Thống Nhất, TP.Biên Hoa). Ảnh: K.LIỄU
Người dân câu cá thư giãn tại suối Săn Máu, đoạn gần cầu Đồng Tràm (phường Thống Nhất, TP.Biên Hoa). Ảnh: K.Liễu

Tình trạng người đi đường phải bịt mũi, hoặc di chuyển thật nhanh mỗi khi đi ngang qua suối Săn Máu nay không còn nữa. Thay vào đó là hình ảnh nhiều người dạo chơi, tập thể dục thư giãn và câu cá tiêu khiển sau giờ làm việc đã trở nên phổ biến.

* Thêm địa điểm thư giãn

Dự án nạo vét suối Săn Máu được triển khai từ năm 2012 đến nay. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh đi qua 5 phường: Trảng Dài, Tân Phong, Tân Tiến, Tân Mai và Thống Nhất thuộc TP.Biên Hòa. Ngoài việc góp phần tiêu thoát nước mưa và nước sinh hoạt, chống ngập úng và sạt lở bờ suối, dự án còn giúp chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống, đồng thời tạo ra những đổi thay trong sinh hoạt của cư dân 2 bên suối.

Có thể nói, sự hồi sinh của dòng suối “chết” đã đem lại niềm vui cho nhiều người, nhất là với những người lớn tuổi. Ông Nguyễn Văn Danh (70 tuổi, nhà ở KP.2, phường Thống Nhất) cho biết chiều nào ông cũng đi dọc theo bờ kè quanh suối để hóng mát. Dòng suối giờ đây như “khoác một chiếc áo mới”, khác xa so với hình ảnh nhếnh nhác của những năm trước. Theo ông Danh, trước đây lòng suối toàn rác, nước bị ô nhiễm đen ngòm và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Giờ thì cảnh tượng đó không còn nữa khiến cuộc sống của người dân quanh đây đã thay đổi tốt hơn. “Giờ chúng tôi có thể thả bộ, câu cá thư giãn dọc con đường 2 bên bờ suối. Trẻ em cũng vậy, các cháu vô tư nô đùa chạy nhảy mỗi chiều” - ông Danh nói.

Rác thải và xác động vật chết thả xuống suối Săn Máu, đoạn ở cầu Mương Sao, phường Tân Tiến.
Rác thải và xác động vật chết thả xuống suối Săn Máu, đoạn ở cầu Mương Sao, phường Tân Tiến.

Cùng chung tâm trạng với ông Danh, ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ KP.3, phường Tân Tiến) chia sẻ: “Trước đây tôi thường lên Trung tâm tổ chức sự kiện tỉnh để đi bộ, tập thể dục. Từ khi suối Săn Máu đoạn từ cầu Mương Sao ra cầu Đồng Tràm được cải tạo, tôi chuyển hướng đi sang đây. Đoạn đường này vừa tiện vì ít người, lại mát mẻ”.

*“Giải” xong bài toán ngập úng

Trước đây, suối Săn Máu ngoài ô nhiễm thì nỗi ám ảnh của người dân địa phương chính là tình trạng ngập lụt sau mỗi cơn mưa. “Mỗi khi có mưa lớn là nước suối dâng lên tràn vào nhà gây ngập úng, xoay xở không kịp là đồ đạc trong nhà hư hỏng hết. Khi nước rút, để lại toàn sình, rác bẩn phát ớn!”- ông Trần Văn Quang (ở KP.5, phường Trảng Dài) kể. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ dân sống gần khu vực suối Săn Máu.

Cuối tháng 8-2017 dự án sẽ hoàn tất thi công

Dự án nạo vét suối Săn Máu có tổng chiều dài 6.192m từ cầu Xóm Mai (phường Trảng Dài) đến cầu Rạch Gió (phường Tân Mai và phường Thống Nhất). Hiện công trình đã thi công đạt gần 98% tổng chiều dài tuyến, phần còn lại 40m chưa hoàn tất do vướng 3 hộ dân chưa phê duyệt xong phương án đền bù. Dự kiến, đến cuối tháng 8-2017 dự án thi công hoàn tất gói thầu cuối cùng.

Tuy nhiên, tình cảnh trên giờ đã chấm dứt khi dự án nạo vét suối Săn Máu được triển khai, mở rộng và gia cố đáy cũng như nâng cao 4m 2 bên bờ kè đã giúp dòng chảy được khai thông và thoát nước tốt hơn. Theo Phó trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai Trần Văn Thanh, dự án cải tạo suối Săn Máu hiện đã thực hiện đạt mục tiêu đề ra, “giải” được bài toán ngập úng vào mùa mưa nhiều năm qua gây nhiều khó khăn cho dân cư. Ông Thanh cho biết đến thời điểm này dự án đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 6.052m/6.192m tuyến suối.  “Kết quả của dự án mang lại đã rõ. Tuy nhiên, việc duy trì kết quả này phụ thuộc phần lớn vào công tác quản lý khai thác, sử dụng công trình và ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường chung” - ông Thanh nói.

Thực tế, tình trạng vứt rác thải, xác động vật chết xuống lòng suối hiện vẫn diễn ra tại nhiều điểm bờ kè 2 bên suối, nhất là đoạn từ cầu Đồng Khởi đến cầu Mương Sao. Nếu như mỗi người dân không có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, chắc chắn sẽ lại “biến” dòng suối này trở nên nhếch nhác, hôi thối.

Kim Liễu

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,356,439       26/981