Kinh tế

Bán hàng cho doanh nghiệp FDI

Năm 2008, ông Nguyễn Công Dương mua lại một doanh nghiệp bị thua lỗ trong kinh doanh đồ bảo hộ lao động. Từ đó đến nay, ông Dương dần xây dựng được uy tín cho doanh nghiệp và mở rộng đầu tư vào sản xuất

.

 Ông Nguyễn Công Dương (bìa trái) giới thiệu sản phẩm tại hội nghị giao thương với doanh nghiệp FDI Đài Loan do Đồng Nai tổ chức. Ảnh: B.Nguyên
Ông Nguyễn Công Dương (bìa trái) giới thiệu sản phẩm tại hội nghị giao thương với doanh nghiệp FDI Đài Loan do Đồng Nai tổ chức. Ảnh: B.Nguyên

Công ty TNHH Đồng Phát (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) hiện trở thành nhà cung cấp đồ bảo hộ lao động cho những khách hàng là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các khu công nghiệp.

* Tìm cơ hội từ khó khăn

Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, ông Nguyễn Công Dương trải qua nhiều vị trí làm việc ở cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước, từ vị trí nhân viên đến quản lý trước khi tự mình đứng ra làm chủ doanh nghiệp. Ông Dương chia sẻ: “Lúc đó, xuất phát điểm của doanh nghiệp hầu như là con số 0, nhưng tôi tin tưởng mình sẽ vực được doanh nghiệp đang thua lỗ này. Vì cơ hội thị trường của sản phẩm bảo hộ lao động còn rất lớn, và doanh nghiệp tuy nhỏ nhưng cũng đã được thị trường biết đến”.

Ông Dương bắt tay vào tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng cách cắt giảm chi phí, như: giảm lao động ở các vị trí không cần thiết, đưa văn phòng công ty về tại nhà và tập trung vào tuyển nhân viên bán hàng. Thông qua đội ngũ bán hàng gọn nhẹ nhưng chuyên nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp được đặt hàng từ xưởng sản xuất rồi chuyển luôn đến tay khách hàng. Đơn vị kinh doanh không cần lập kho bãi, showroom trưng bày sản phẩm... nên giảm được nhiều chi phí để có giá thành tốt nhất khi đến tay khách hàng, đồng thời căn cứ nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất để mở rộng dần các mặt hàng từ quần áo, găng tay đến giày lao động... 

* Trực tiếp bán hàng

Theo ông Dương, vì vừa là nhà sản xuất, vừa là doanh nghiệp thương mại nên ông chọn kênh bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp. “Để tiếp cận được các khách hàng là doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp, tôi kiên trì gửi catalogue về mẫu mã sản phẩm, số điện thoại liên lạc và kiên trì gọi điện thoại để chờ thời cơ, đến lúc đối tác cần thì mình luôn sẵn sàng có mặt. Khách hàng sẽ chọn nếu sản phẩm của mình có mức giá cạnh tranh, chất lượng tốt” - ông Dương chia sẻ.

Với người chủ doanh nghiệp đi lên từ khó khăn này, việc giữ đúng cam kết với khách hàng không chỉ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi mà càng phải coi trọng khi nảy sinh sự cố. Ông Dương kể: “Năm 2016, tôi đầu tư thêm dòng sản phẩm giày bảo hộ lao động. Vì nhu cầu của thị trường về mặt hàng này rất lớn nên tôi đẩy quá nhanh việc mở rộng sản xuất và sản phẩm gặp sự cố về chất lượng. Sau 2 tháng đưa sản phẩm ra thị trường, tôi mất cả nửa năm chỉ để tập trung bảo hành, khắc phục sự cố”.

Vì hướng đi của doanh nghiệp là cung cấp đồ bảo hộ lao động trực tiếp cho các doanh nghiệp FDI nên ông Dương tập trung mở các chi nhánh bán hàng ở gần các khu công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế... Sản phẩm tốt với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp từ khâu tiếp thị, giao hàng, bảo hành... chính là bí quyết giúp Đồng Phát trở thành đối tác cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp FDI.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,093,835       6/933