Hàng nhập khẩu hiện đang có mặt nhiều lên ở các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Tại các chợ, nhiều sạp hàng nhập đã chiếm từ 30-50% và giá chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với hàng Việt.
Bà Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương chợ Long Thành (huyện Long Thành) đang giới thiệu sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc được nhiều người mua. |
Khảo sát tại các chợ, siêu thị, cửa hàng... tại TP.Biên Hòa, cho thấy hàng nhập khẩu về ngày càng phong phú về chủng loại, mẫu mã và đến từ nhiều quốc gia, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore... Hàng nhập gồm có thực phẩm khô, bánh kẹo, nước giải khát, hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, điện máy...
* Quay lại sính ngoại?
Trừ hàng Trung Quốc, còn lại hàng hóa nhập từ các quốc gia khác về đều được người tiêu dùng trong nước tin tưởng vào chất lượng và lựa chọn. Hàng nhập khẩu về nhiều nhất là hàng của Thái Lan, Hàn Quốc. Trước đây, tại các chợ - kênh bán lẻ lớn nhất hiện nay - hàng nhập chỉ chiếm 10-15% thì nay đã lên đến 30-50%. Nhiều mặt hàng đã bị hàng ngoại lấn sân là: mỹ phẩm, bánh kẹo, quần áo, điện máy.
Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ sạp hàng Thanh Hải tại chợ Long Thành (huyện Long Thành), chia sẻ: “Hàng nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia về rất nhiều, chiếm khoảng 50% mặt hàng tôi đang bán. Hàng ngoại giá xấp xỉ hàng Việt, thường hay được khách hàng chọn mua”. Theo bà Thanh, ngoài tin vào chất lượng thì hàng nhập thường có mẫu mã đẹp, có nhiều kích cỡ, trọng lượng khác nhau và sử dụng tiện lợi nên rất hút người mua. Do đó, ở các trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ hàng nhập được đặt ở những vị trí tốt, người tiêu dễ nhìn thấy. Còn hàng Việt đang bị lấn sân, đẩy vào các góc khuất nên việc cạnh tranh giữ thị phần xem ra ngày càng khó khăn hơn. Thực tế, nhiều mặt hàng Việt so về mẫu mã, tính tiện dụng còn thua xa so với hàng ngoại. Đây là điểm bất lợi nhất trong cuộc cạnh tranh giữ sân nhà của hàng Việt.
“Tôi hay chọn mua mỹ phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, Thái Lan vì yên tâm với chất lượng và giá cũng chỉ nhỉnh hơn một chút so với hàng Việt, đồng thời mẫu mã, mặt hàng của họ cũng đa dạng, có đủ các loại với kích cỡ khác nhau để mình lựa chọn” - chị Hoàng Thị Thu Vân (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) nói. Khảo sát tại các trung tâm, cửa hàng điện máy thì thấy hàng nhập chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều. Một số mặt hàng, như: máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, quạt, nồi cơm điện, hàng ngoại chiếm 60-80%.
* Áp lực cạnh tranh “đổ” lên hàng Việt
Hội nhập sâu, thuế nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu giảm dần về 0% là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, bên cạnh đó cũng phải chịu áp lực hàng nhập sẽ ồ ạt tràn vào trong nước. Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt đang đứng trước cửa ải lớn, nếu không nhanh chóng đầu tư các thiết bị công nghệ mới hiện đại, liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới, giá rẻ, tiện lợi phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng thì rất khó giữ được thị phần.
“Hàng điện máy từ các nước trong khối ASEAN về Việt Nam rất nhiều, có những mặt hàng tỷ lệ hàng ngoại chiếm 60-80%. Người tiêu dùng mua nhiều vì mẫu mã đẹp, giá rẻ và tiết kiệm điện” - ông Trần Văn Lợi, Phó giám đốc điều hành chi nhánh Công ty TNHH mua sắm Đệ nhất Phan Khang trên đường Phạm Văn Thuận (TP. Biên Hòa), cho biết. Thực tế chứng minh nhiều doanh nghiệp điện máy lớn của Việt Nam, thương hiệu một thời chiếm lĩnh thị trường trong nước, song hiện tại đã mờ nhạt hoặc đã biến mất khỏi thị trường vì không cạnh tranh nổi.
Bánh kẹo cũng đang là mặt hàng bị cạnh tranh gay gắt với hàng nhập từ các nước trong khối ASEAN, Hàn Quốc... Đại diện Công ty TNHH Lâm Thuận (phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “Năm trước, bánh kẹo nhập từ Hàn Quốc về rất ít vì giá cao. Song năm nay, hàng về rất nhiều và giá giảm sâu gần bằng hàng Việt nên được rất nhiều khách hàng lựa mua”. Ghé vào các đại lý mặt hàng nước giải khát hiện tràn ngập hàng nhập từ nhiều nước, đặc biệt là mặt hàng nước trái cây đến từ Thái Lan tràn ngập trong các siêu thị đến chợ. Ngoài ra, trái cây, mì ăn liền, thực phẩm chay, gia vị gắn mác “made in Thailand, Malaysia, Korea…” khá nhiều.
Khánh Minh