Kinh tế

Hỗ trợ nông dân trồng điều và xoài

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có tờ trình lên UBND tỉnh Đồng Nai về việc chấp thuận chủ trương hỗ trợ cho những hộ dân trực tiếp sản xuất bị thiệt hại do mưa trái mùa gây ra trong mùa khô 2016 - 2017.

Vụ thu hoạch năm nay, vườn điều của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, xã Túc Trưng, huyện Định Quán  bị giảm năng suất đến 80% do mưa trái mùa.
Vụ thu hoạch năm nay, vườn điều của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, xã Túc Trưng, huyện Định Quán bị giảm năng suất đến 80% do mưa trái mùa.

Bên cạnh việc hỗ trợ phần nào trước mắt cho nông dân trồng xoài, trồng điều, về lâu dài nông dân phải chủ động trong sản xuất để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh đến cây trồng hiện nay.

* Thiệt hại 1,4 ngàn tỷ đồng

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, từ năm 2006 đến nay Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều. Kim ngạch xuất khẩu điều không ngừng tăng nhanh. Cụ thể, năm 2006 xuất khẩu điều đạt 504 triệu USD thì đến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đã đạt đến con số 2,86 tỷ USD, chưa tính thêm giá trị từ các sản phẩm phụ như dầu vỏ hạt điều và các sản phẩm giá trị gia tăng khác. Ngành chế biến hạt điều của Việt Nam ngày càng lớn mạnh cũng là yếu tố đảm bảo sự bền vững cho đầu ra của cây điều.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 31,7 ngàn hécta điều bị thiệt hại, về năng suất giảm từ 30-70% so với mọi năm do ảnh hưởng của mưa trái mùa. Ngoài điều, cây xoài cũng bị ảnh hưởng nặng với trên 8,5 ngàn hécta, bị giảm năng suất từ 30-70%. Như vậy, tổng diện tích điều và xoài bị thiệt hại năng suất từ 30% trở lên được hỗ trợ là trên 40,3 ngàn hécta, thiệt hại ước tính khoảng 1,4 ngàn tỷ đồng. 

Theo tờ trình, mưa trái mùa cũng là hiện tượng thiên tai nên nông dân được hưởng chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất, trong đó cây điều và cây xoài được hỗ trợ vì bị thiệt hại nặng nhất. Mỗi hécta cây điều và cây xoài bị thiệt hại năng suất từ 30% trở lên sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng. Đối tượng được hỗ trợ là nông dân trực tiếp sản xuất trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách dự phòng của địa phương, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ hỗ trợ của các đoàn thể tỉnh, ngân sách tỉnh. Cũng theo tờ trình, phương thức chi trả tiền hỗ trợ sẽ thông qua hệ thống ngân hàng, chuyển tiền hỗ trợ trực tiếp vào tài khoản của nông dân bị thiệt hại.

Tờ trình cũng giao cho UBND các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa khẩn trương rà soát, xác minh, thống kê, tổng hợp đề xuất hỗ trợ thiệt hại cho nông dân. Trong đó, xác định cụ thể nguồn lực hỗ trợ từ dự phòng ngân sách xã, huyện, tỉnh; quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn lực khác; hoàn chỉnh hồ sơ trình Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn thẩm định trước ngày 31-5-2017.

* Ứng phó với biến đổi khí hậu

Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước về diện tích điều nhưng hiện toàn tỉnh chỉ còn trên 38 ngàn hécta điều, giảm hàng ngàn hécta so với vài năm trước vì nông dân không ngừng chặt bỏ. Diện tích cây điều trên cả nước cũng ngày càng thu hẹp vì lợi nhuận thấp, nhất là năng suất thất thường do đây là cây trồng bị ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết.

Để giải bài toán khó này, TS.Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phát triển cây điều thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận xét thời tiết trong những năm qua biến đổi cực đoan. Sâu bệnh hại điều phát sinh, phát triển mạnh đã gây hại nghiêm trọng đến mùa vụ điều năm 2017. Trong khi đó, phần lớn diện tích điều hiện nay đều là các giống cũ vì công tác quản lý giống còn lỏng lẻo, nông dân thiếu giống tốt để gieo trồng; đất trồng điều chủ yếu là những vùng đất xấu, đồi dốc; người dân ít quan tâm đến các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất vườn điều, thiếu hiểu biết về thông tin thị trường...

Ông Khanh đưa ra các giải pháp để cây điều ứng phó trước biến đổi khí hậu: “Để hạn chế thấp nhất điều kiện ngoại cảnh làm giảm năng suất điều, việc cấp bách và cần thiết nhất là hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện bọ xít muỗi là loài gây hại nguy hiểm nhất với cây điều, ngoài ra còn có sâu róm đỏ và bệnh thán thư để xử lý ngay. Về lâu dài, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: triển khai tốt việc dự báo thời tiết; phòng trừ bệnh hại; từng bước tái canh thay thế diện tích điều già cỗi, nhiễm sâu bệnh bằng các giống mới năng suất cao và phù hợp với biến đổi khí hậu; xây dựng cánh đồng mẫu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất điều có chứng nhận để xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để điều ra hoa, đậu quả trước thời kỳ cao điểm mùa khô để né hạn...

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,119,120       7/1,009