Kinh tế

Triệu phú nuôi tôm sú

Từ một thiếu niên quê mùa xứ Thanh nghèo khó vào Đồng Nai mưu sinh lập nghiệp, sau 25 năm lăn lộn với đầm tôm, ông Hỏa Văn Thảo ở ấp Vũng Gấm (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đã trở thành triệu phú với thu nhập bình quân trên dưới một tỷ đồng/năm.

Ông Hỏa Văn Thảo
Ông Hỏa Văn Thảo

Điều đọng lại nhất trong người đàn ông dáng vóc nhỏ thó, nước da bánh mật này là nghị lực vượt khó làm giàu chân chính bằng đôi bàn tay.

* Ngày đào đùng, đêm ngủ chòi lá

Ông Thảo kể: “Trước khi “cắm chốt” tại ấp Vũng Gấm, tôi đã mưu sinh ở Cà Mau và nhiều nơi khác. Năm 1992, tôi đến Vũng Gấm lập nghiệp. Đất rộng người thưa, đường sá đi lại khó khăn, nhưng nhìn đất đai màu mỡ bạt ngàn tôi nhủ thầm đây là điểm cuối trong hành trình mưu sinh, mình sẽ sống ở đây”.

Thời đó, Vũng Gấm được coi là “vùng lõm” của xã Phước An. Địa hình ở đây 2/3 diện tích đất là sình lầy, bãi sú. Muốn đến được Vũng Gấm phải cuốc bộ hàng giờ đồng hồ. Thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mùa khô nắng như thiêu như đốt, mùa mưa nước trắng bãi lầy. Số hộ dân sinh sống ở địa phương chừng hơn chục nóc nhà, tự cung tự cấp tại chỗ. Nhìn thấy ruộng đồng bỏ hoang, ông Thảo nghĩ “phải biến nơi này thành đầm tôm, bắt nó đẻ ra tiền”. Cuộc mưu sinh trên đầm lầy bắt đầu từ đó.

Với số tiền ít ỏi đem lên từ Cà Mau, ông Thảo mua lại đầm tôm của người dân bản địa và khai hoang mở rộng diện tích. Dưới cái nắng cháy da cháy thịt, ông đào bùn, đắp bờ, làm quần quật từ sớm đến chiều tối. Bữa trưa giữa đầm lầy bùn đất chỉ nắm cơm gói lá chuối chấm muối vừng. Chiều tối, ông chui vào cái chòi lá dựng tạm trên miếng đất khô cạnh đầm tôm. “Ngày đó muỗi ở đầm nhiều vô kể, nếu ở Năm Căn (Cà Mau) muỗi nhiều 8 phần thì ở đây phải 10 phần. Mặt trời chưa lặn phải lo ngồi trong màn, ăn cơm cũng trong màn. Nếu không, muỗi cắn sưng người, ngày mai không thể đi làm được. “Ngày đào đùng, đêm ngủ chòi lá, nấu nướng, ăn uống tại chỗ. Có bữa bưng bát cơm nhìn đầm tôm đào ngổn ngang mà ứa nước mắt, không biết tương lai sẽ ra sao nhưng tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được” - ông Thảo chia sẻ.

Ngày đó, Vũng Gấm chưa có chợ. Muốn mua gạo phải chạy xe máy đi xa mới có. Mua gạo về, ông múc nước tại đùng tôm gạn sạch, nấu cơm bằng củi. Thức ăn là tép bắt dưới đùng, rau tự trồng mà ăn.

* Vươn lên từ bàn tay trắng

Nghề nuôi tôm đã trúng thì thành tỷ phú nhanh lắm, nhưng cũng dễ trắng tay nếu không có kiến thức và áp dụng kỹ thuật chăm, nuôi hiện đại. Ông Thảo nhớ lại: “Gần 1 năm đến Vũng Gấm lập nghiệp, toàn bộ bờ đập tôm của tôi bị nước thượng nguồn đổ về san phẳng sau một đêm dông tố, mưa rừng. Hơn 2 ngàn con tôm trong đầm theo dòng nước bơi đi nơi khác. Lúc đó tôi khóc òa lên, tôi bưng bát cơm mà nước mắt rưng rưng, đi ra đi vào không nuốt nổi. Lúc đó tôi chưa có kỹ thuật đắp đập be bờ, cứ tưởng ở miền Nam không có bão, lốc xoáy, ai dè dông tố ầm ầm, nước xoáy sâu cuốn hết bờ mương”.

 Trận đó coi như thất bại hoàn toàn, ông bệnh cả tuần rồi gượng dậy “bày keo khác”. Ông lặn lội đi học kinh nghiệm cách nuôi tôm vùng ngập mặn. Ban đầu, ông chỉ làm 3 đầm tôm, rồi dần phát triển thành gần 50 đầm trên diện tích 20 hécta. 3/4 số đùng dùng nuôi tôm tự nhiên, số còn lại ông thử nuôi tôm công nghiệp. Sau hơn 100 ngày ăn cùng tôm, ngủ với tôm, thấp thỏm vì tôm, lứa tôm đầu tiên của ông  “xuất xưởng” bán được gần trăm triệu đồng, trừ chi phí lời hơn 60 triệu đồng. “Lúc đó, 60 triệu đồng to lắm chứ không như bây giờ. Bưng bát cơm ăn với tôm rảo luộc, một lần nữa nước mắt tôi lại trào ra. Chỉ khác, đó là nước mắt của niềm vui thắng lợi, của bao nhọc nhằn được đền đáp như một lẽ tự nhiên” - ông Thảo nói.

Mai Thắng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,119,432       3/1,013