Sáng 1/3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Phiên họp nhằm đánh giá tổng quan tình hình kinh tế-xã hội tháng 2, tháng đầu tiên sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 với rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác xây dựng thể chế, kỷ luật, kỷ cương công vụ và các vấn đề an sinh, xã hội khác.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, ngay sau Tết Nguyên đán, các cơ quan từ trung ương đến địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017, không còn tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi.” Thủ tướng đánh giá, tình hình sau Tết là khá tích cực, tạo không khí phấn khởi, tăng cường niềm tin trong nhân dân, đóng góp vào uy tín chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Thủ tướng cho biết, các nhận định, dự báo của các cơ quan, tổ chức quốc tế đều cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng khá, nhưng chưa có đánh giá nào nhận định kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm 2017. Đây là một thách thức đối với công tác quản lý điều hành kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng nói.
Công tác thu hút đầu tư nước ngoài, lượng khách du lịch đến Việt Nam đều tăng đột biến; trong đó chỉ riêng tháng 2, các cơ quan chức năng đã cấp giấy phép đến 2,2 tỷ USD FDI; tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập tăng… là những tín hiệu đáng mừng.
Về tình hình chung, Thủ tướng đánh giá kinh tế vĩ mô của đất nước tương đối ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,23%. Công việc chuẩn bị cho APEC 2017 đã cơ bản được hoàn tất với phiên họp SOM mở đầu tại Nha Trang diễn ra thành công, đạt yêu cầu đề ra.
Với tinh thần nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém để khẩn trương có biện pháp khắc phục, Thủ tướng lo ngại sâu sắc trước thực trạng gia tăng của tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông đường sắt. 2 tháng qua có tới 1.570 người chết vì tai nạn giao thông, ngày nào cũng có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đau lòng.
Bên cạnh đó, trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, việc để xảy ra vụ việc uống rượu, nấu rượu dẫn đến ngộ độc làm chết nhiều người mới đây là một câu hỏi đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước. Một số vụ kinh doanh, quản lý khách du lịch còn để xảy ra sai sót, việc tổ chức kinh doanh du lịch mạo hiểm gây chết người; tình trạng cúm A H7N9 vẫn tiềm ẩn nguy cơ; việc tổ chức trao giải thưởng văn học nghệ thuật của ngành văn hóa gây xôn xao dư luận là những vấn đề đáng lo ngại cần có đánh giá, kiểm tra và khắc phục - Thủ tướng yêu cầu.
Trong khi đó, về tình hình quốc tế, Thủ tướng phân tích vẫn tiếp tục có nhiều biến động phức tạp rất khó lường với xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, giá dầu thô và mặt hàng nguyên liệu cơ bản tiếp tục xu hướng tăng liên quan đến công tác quản lý tiền tệ trong nước khi hội nhập sâu.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước để có những phân tích, biện pháp phản ứng nhanh chóng, cụ thể và phù hợp hơn nhằm đảm bảo tăng trưởng tốt và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thủ tướng chỉ đạo cần sớm có các giải pháp khắc phục các tồn tại như giá nông sản trong nước còn thấp, năng suất lao động còn thấp, đặc biệt là khu vực nông nghiệp nông thôn.
Thủ tướng cũng đề nghị các cấp chính quyền lưu ý trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt là giá các mặt hàng nguyên vật liệu, lãi suất USD để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2017. Thủ tướng nhấn mạnh đây là một chỉ tiêu rất khó thực hiện theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, bởi vậy cần có sự phối hợp, kiểm soát hết sức chặt chẽ, nhuần nhuyễn với các giải pháp phù hợp giữa các bộ, ngành nhất là giải pháp quản lý tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mỗi bộ, ngành cần có kịch bản tăng trưởng và giải pháp quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Nhắc lại chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đặt vấn đề, tại sao thời gian qua có nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị chi phí gián tiếp sản xuất tăng cao từ phí đường bộ, cảng biển cho đến chi phí thủ tục hành chính ngầm vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, Chính phủ đã thống nhất tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. "Chúng ta không bao cấp nhưng trong điều kiện còn khó khăn cần tính giá, phí phù hợp" - Thủ tướng chỉ đạo.
Liên quan đến công tác kỷ cương, kỷ luật công vụ, Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện liên tục, hiệu quả và nhất quán với chủ đề: Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững. “Kỷ luật kỷ cương kém cùng với quản lý không sát kinh tế thị trường ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước” - Thủ tướng nêu rõ.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa, có các biện pháp xử lý, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01/CP để tạo chuyển biến rõ nét hơn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ Quý I, tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả.”
Trong phần làm việc sáng nay, Chính phủ tiếp tục bàn về công tác xây dựng thể chế. Dự thảo Luật được thảo luận đầu tiên tại buổi làm việc là Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình.
Dự kiến Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 sẽ diễn ra đến hết ngày hôm nay 1/3./.