Kinh tế

Cây dâu, con tằm hồi phục

Khoảng 3 năm trở lại đây, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển và mở rộng tại một số địa phương có truyền thống với nghề "ăn cơm đứng" như xã Đắc Lua (huyện Tân Phú), các xã: Sông Ray, Xuân Đông, Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ)…

Khoảng 3 năm trở lại đây, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển và mở rộng tại một số địa phương có truyền thống với nghề “ăn cơm đứng” như xã Đắc Lua (huyện Tân Phú), các xã: Sông Ray, Xuân Đông, Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ)…

Vườn trồng dâu lai cho năng suất cao của ông Vũ Duy Thanh (ấp 12, xã Đắc Lua, huyện Tân Phú).
Vườn trồng dâu lai cho năng suất cao của ông Vũ Duy Thanh (ấp 12, xã Đắc Lua, huyện Tân Phú).

Trồng dâu nuôi tằm không những cải thiện thu nhập cho người dân, mà còn giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu nhờ được đầu tư nguồn vốn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào khâu sản xuất con giống; sử dụng giống cây dâu mới, năng suất cao…

* Nâng chất, tăng lượng

Theo thống kê, diện tích dâu tằm trên toàn huyện Tân Phú tăng “dần đều” sau thời điểm xuống “đáy” của nghề trồng dâu nuôi tằm vào năm 2011. Toàn huyện hiện có khoảng 150 hécta trồng dâu, chủ yếu tập trung ở xã Đắc Lua và rải rác ở một số địa phương thuộc xã Nam Cát Tiên. Tổng sản lượng dâu tằm thu hoạch vào năm 2016 đạt trên 2,6 ngàn tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. “3 năm gần đây, nhiều hộ trồng dâu đã chuyển sang trồng cây dâu lai cho năng suất lá gấp 3-4 lần so với cây dâu truyền thống. Loại dâu này ban đầu do xí nghiệp ươm tơ ở TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cung cấp giống, sau đó được nông dân địa phương nhân giống thành công” - ông Nguyễn Ngọc Nhì, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua, cho biết.

Tương tự, năm 2016 toàn huyện Cẩm Mỹ đã phát triển được khoảng 300 hécta đất trồng dâu với hơn 350 hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm; tăng gần gấp đôi về diện tích và số hộ tham gia so với thời điểm mới phát triển vào năm 2014. Nông dân ở đây đang sử dụng 2 loại dâu giống chính là sha nhị luân và F7, đạt năng suất lá từ 20-28 tấn/hécta, sau khi trồng từ 4-6 tháng sẽ cho thu hoạch lá.

Ông Vũ Duy Thanh sử dụng né gỗ thay né tre để nuôi tằm, tạo kén đạt năng suất, chất lượng cao hơn.
Ông Vũ Duy Thanh sử dụng né gỗ thay né tre để nuôi tằm, tạo kén đạt năng suất, chất lượng cao hơn.

Bên cạnh việc tăng diện tích, sản lượng, nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm đang hướng tới phát triển bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng cây dâu, con tằm để tăng sức cạnh tranh, như: chuyển sang nuôi tằm trên nền xi măng vào thời kỳ tằm ăn rỗi thay vì nuôi bằng nong như trước đây, sử dụng các loại máy cắt lá dâu, máy gỡ kén tằm… để tiết kiệm chi phí, thời gian, tạo ra kén có chất lượng đồng đều, cho năng suất cao.

* Tạo đầu ra ổn định

Theo nhiều hộ nuôi tằm, trong 3 năm trở lại đây giá kén khá cao và giữ được giá từ 80-120 ngàn đồng/kg tùy chất lượng, có thời điểm “sốt” giá lên tới 140-150 ngàn đồng/kg kén.

Ông Vũ Duy Thanh (ấp 12, xã Đắc Lua), chia sẻ: “Nhà tôi đã bỏ cây bắp, chuyển sang trồng hơn 1 hécta dâu để nuôi tằm được khoảng 3 năm nay. Dâu sinh trưởng tốt nên giảm bớt chi phí chăm sóc và gần như nuôi tằm được quanh năm. Nhờ công nghệ và giống mới, mỗi tháng nhà tôi sản xuất được 2 lứa kén với năng suất 4-6 hộp trứng kén/tháng. Mỗi hộp trứng tương ứng với 35-45kg kén tùy vào điều kiện thời tiết. Sau khi trừ chi phí đầu tư, chúng tôi thu lời trung bình 20-25 triệu đồng/tháng”.

Nhiều hộ nuôi tằm ở xã Đắc Lua đang tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ với một số xí nghiệp dâu tằm tơ ở TP.Bảo Lộc. Doanh nghiệp sẽ cung cấp con giống, kỹ thuật chăm sóc cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm và thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, xã còn có cơ sở thu mua, sản xuất tơ tại chỗ tạo thêm đầu ra ổn định cho nông dân.

“Mỗi ngày, cơ sở của chúng tôi sản xuất được khoảng 40kg tơ thành phẩm, chủ yếu xuất đi Lâm Đồng và một số tỉnh phía Bắc với giá trung bình khoảng 900 ngàn đồng/kg tơ. Nguồn nguyên liệu tại địa phương khá dồi dào và đầu ra sản phẩm khá ổn nên chúng tôi đang có định hướng mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi dây chuyền tự động hóa để nâng cao sản lượng và chất lượng” - ông Nguyễn Duy Đông, đại diện Cơ sở kéo tơ Nguyễn Văn Lành (xã Đắc Lua), cho biết.

Trong khi đó, trước sự phục hồi và phát triển của nghề trồng dâu nuôi tằm, huyện Cẩm Mỹ đã vận động thành lập được 5 tổ hợp tác dâu tằm tơ với diện tích trên 80 hécta và 110 thành viên tham gia. Đồng thời, huyện cũng đang triển khai dự án cánh đồng lớn trồng dâu nuôi tằm nhằm tạo mối dây liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Sản phẩm của nông dân được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu ổn định.

“Mô hình trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác như lúa, bắp tại một số địa phương, như: xã Sông Ray, xã Xuân Đông... nhờ điều kiện thổ nhưỡng và việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất” - ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ, nói.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,151,475       21/1,037