Ban Chỉ đạo phát triển thị trường tỉnh xác định năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn cho đầu ra của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp. Do đó, tỉnh rất chú trọng trong việc tìm giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu.
Đồng Nai đưa sản phẩm nông nghiệp đi giới thiệu tại TP.Hồ Chí Minh để mở rộng đầu ra. |
Theo đánh giá về lĩnh vực công nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm tương đối “dễ thở” hơn, vì đa số các doanh nghiệp, cơ sở vẫn đang sản xuất theo đơn đặt hàng. Mở rộng thị trường là để doanh nghiệp tăng thêm sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm luôn diễn ra cảnh cung vượt cầu khiến giá giảm sâu, khó tìm nơi tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu.
* Tù mù đầu ra
Đồng Nai là tỉnh có sản lượng heo, gà, trái cây, nông sản lên đến hàng triệu tấn/năm. Đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá cả hàng hóa lĩnh vực này bấp bênh, luôn bị lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, chỉ cần Trung Quốc giảm hoặc ngưng nhập khẩu giá lại giảm sâu, hàng ứ đọng, không tìm ra nơi tiêu thụ.
Vòng luẩn quẩn “được mùa - mất giá” trong sản xuất nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều năm chưa có cách thoát ra. Nguyên nhân chính là do dự báo thị trường cho những sản phẩm nông nghiệp còn ít và yếu; nông dân chỉ dựa vào nhận định chủ quan là thấy mặt hàng đó trên thị trường đang có giá thì tập trung vào sản xuất. Điển hình là giá heo từ tháng 12-2016 đến nay đã giảm sâu dưới giá thành hơn 10 ngàn đồng/kg, khiến 1 tạ heo hơi bán ra người nuôi lỗ trên 1 triệu đồng, nhiều trang trại trong tỉnh đang rơi vào nguy cơ phá sản.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, thấy giá heo tăng cao, người dân ồ ạt tăng đàn. Đáng lẽ các sở, ngành liên quan phải đánh giá thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu qua Trung Quốc bao nhiêu; thị trường xuất khẩu sẽ mua hàng trong thời gian bao lâu để có những khuyến cáo cụ thể. Khi giá heo hơi giảm sâu, ứ hàng nhưng tại các chợ người tiêu dùng vẫn mua thịt giá cao thì ngành nông nghiệp, công thương phối hợp tìm cách giảm giá ngoài chợ để kích cầu hỗ trợ dân giải quyết hàng tồn. “Cụ thể, ngành nông nghiệp, công thương liên kết mở ra kênh bán thịt heo tại các chợ với giá hạ tương ứng với giá heo hơi giảm. Ví dụ: như trước đây heo hơi 45 ngàn đồng/kg, giá thịt 85 ngàn đồng/kg thì nay giá heo hơi còn 25-30 ngàn đồng/kg, giá thịt xuống 70 ngàn đồng/kg, lượng người mua sẽ tăng, heo tồn tại các trại sẽ bán được” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nói.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho hay: “Ngoài heo thì một số nông sản chủ lực của tỉnh, như: gà, xoài, cà phê, điều, cao su, tiêu...cũng thường rơi vào tình trạng giá cả tăng giảm bất thường. Sở đang cùng các địa phương, doanh nghiệp triển khai 6 dự án cánh đồng lớn trên một số cây trồng để nông dân có đầu ra ổn định, nhưng kết quả mang lại chưa cao”.
Theo cảnh báo từ các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản, năm nay thị trường xuất khẩu nông sản có thể tiếp tục gặp khó do một số nông sản của Việt Nam bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá cao so với mức cho phép. Điều này đòi hỏi nông dân phải xem xét lại quy trình sản xuất, áp dụng quy trình cho sản phẩm an toàn thì hàng mới xuất được.
* “Nhắm” chỗ bán hàng trước khi sản xuất
Một số chuyên gia kinh tế chia sẻ, các địa phương nên tìm thị trường trước rồi mới khuyến khích nông dân sản xuất sau, như vậy mới tránh được tình trạng sản xuất ra không bán được hàng. Lâu nay, sản phẩm công nghiệp làm ra bán khá thuận lợi, ít biến động lớn về giá là do các doanh nghiệp đi đúng quy trình là tìm được thị trường tiêu thụ, ký hợp đồng đơn hàng mới sản xuất. Nếu đổi được tư duy sản xuất nông nghiệp giống công nghiệp thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường ra nhiều nước. TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hiệp hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: “Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang theo quy trình ngược nên mới gây ra hệ lụy hàng làm ra không bán được. Muốn thoát khỏi việc này, chúng ta phải sắp xếp lại sản xuất và kéo được doanh nghiệp cùng tham gia để lo đầu ra”.
Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết: “Thông tin về thị trường cho sản phẩm nông nghiệp còn rất yếu, chưa đánh giá được những sản phẩm có số lượng lớn sẽ bán ở đâu? Tới đây, 3 sở sẽ phối hợp lại: ngành nông nghiệp lo chất lượng, xây dựng xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm; khoa học - công nghệ làm nhãn hiệu hàng hóa và công thương sẽ bán hàng”.
Liên quan đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo: “Các địa phương phải cùng Sở Công thương điều tra số liệu cụ thể về sản lượng từng mặt hàng nông nghiệp và có dự báo ngắn hạn, dài hạn về thị trường cho từng nhóm sản phẩm để tránh tình trạng “vỡ trận”; đồng thời cần ưu tiên tìm thị trường cho những sản phẩm có số lượng nhiều”.
Hương Giang