Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, an toàn tiếp tục được tích cực triển khai trong năm 2017.
Trong đó, phía ngân hàng ngày càng quan tâm, tổ chức cán bộ về tận nơi hướng dẫn về chính sách, thủ tục hồ sơ cho các gói vay ưu đãi cho dự án cánh đồng mẫu lớn, cho vay nông sản sạch...
Nhiều nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn cây ca cao đã tiếp cận được gói cây ưu đãi. Trong ảnh: Nông dân trồng ca cao tại huyện Định Quán. |
Với các gói vay ưu đãi trên, thông qua chuỗi liên kết, nông dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi không cần tài sản thế chấp.
* Nhiều gói ưu đãi
Trong năm 2016, cả huy động vốn và dư nợ cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Cẩm Mỹ đều đạt mốc trên 1 ngàn tỷ đồng/năm. Đây là năm đầu tiên chi nhánh này gia nhập câu lạc bộ ngàn tỷ của Agribank chi nhánh Đồng Nai. Đồng hành cùng địa phương để Cẩm Mỹ đạt mục tiêu về đích sớm trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2017, chi nhánh còn tập trung nguồn vốn cho vay các dự án đầu tư cho hạ tầng nông thôn, như: cho vay làm đường giao thông nông thôn, cho vay đường điện...
Ông Tô Hoàn Liêm, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Cẩm Mỹ, cho biết vì đây là huyện thuần nông nên gần như 100% dư nợ cho vay của ngân hàng đều tập trung cho nông dân, nông nghiệp. Ngoài hoạt động tín dụng chung, năm nay đơn vị sẽ tập trung triển khai các gói ưu đãi cho vay cánh đồng mẫu lớn, cho vay sản xuất nông sản sạch. “Chúng tôi cùng tham gia theo suốt quá trình hình thành các dự án cánh đồng mẫu lớn tại địa phương. Đa số các xã viên trong hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư cánh đồng mẫu lớn cho cây tiêu, cây bắp, cây sầu riêng... đều là khách hàng cũ của ngân hàng. Đây là thuận lợi không nhỏ để đơn vị triển khai các gói hỗ trợ khi những đề án cánh đồng mẫu lớn được tỉnh phê duyệt” - ông Liêm cho biết.
Tích cực giới thiệu, hỗ trợ nông dân về mặt hồ sơ, thủ tục để sớm tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn cũng là chương trình hoạt động của Agribank chi nhánh huyện Xuân Lộc. Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Xuân Lộc, chia sẻ: “Trong tháng tới, ngân hàng là đơn vị chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, nông dân để triển khai các gói tín dụng mới ưu đãi cho cánh đồng lớn, cho vay nông sản sạch...”.
* Vào chuỗi để vay tín chấp
Cũng theo ông Nguyễn Bá Thành: “Các gói vay ưu đãi cho dự án cánh đồng mẫu lớn và cho vay nông sản sạch đều yêu cầu nông dân phải vào chuỗi liên kết, tổ chức tốt khâu đầu ra, đầu vào. Đặc biệt, vào chuỗi liên kết, nông dân có thể vay vốn không cần thế chấp tài sản. Ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân về mặt thủ tục, hồ sơ vay”. Tuy nhiên, trong thực tế cho vay theo chuỗi liên kết trong các chương trình dự án cánh đồng mẫu lớn, cho vay nông sản sạch vẫn chưa đi vào thực tế. Nguyên nhân do năng lực của hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế, hoạt động chưa đúng luật; nông dân cũng chưa thích ứng với mô hình liên kết...
Để nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, quy mô lớn, các địa phương rất quan tâm khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Ông Đỗ Khôi Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ, nhận xét là huyện thuần nông nên Cẩm Mỹ muốn đạt mục tiêu huyện nông thôn mới trong năm 2017, cái gốc vẫn là từ sản xuất của nông nghiệp. Điều đáng mừng là đa số các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ tại địa phương vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất đều hoạt động hiệu quả, trả nợ tốt. Địa phương đang tập trung triển khai hàng loạt các dự án cánh đồng lớn cho cây bắp, cây tiêu, sầu riêng... Trong đó, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với phía ngân hàng để hỗ trợ nông dân tiếp cận được những gói tín dụng ưu đãi.
Bình Nguyên