Thể thao

Thầy trò ruột ở V-League

Những HLV như Mai Đức Chung, Lê Thuỵ Hải khi đi đâu cũng mang theo nhiều đệ ruột của mình.

HLV Đặng Trần Chỉnh từng có câu nói nổi tiếng: “Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ đến 3”. Câu nói hàm ý số phận của HLV trưởng nằm trong tay các học trò. Khi cầu thủ ghét thầy, ngay lập tức đội bóng có chuyện, được thể hiện rõ qua phong độ trên sân. Không ít HLV, đội bóng rơi vào cảnh bi đát, cũng chỉ bởi cầu thủ phá đội, muốn “bẻ” ghế HLV trưởng. Ngay cả chiến lược gia kỳ cựu như Vương Tiến Dũng hay HLV có cá tính mạnh như Lê Thuỵ Hải, cũng từng bị cầu thủ phá, dẫn đến mất việc. 

tai-9418-1396516657.jpg

HLV Hoàng Anh Tuấn và học trò cưng Tấn Tài. Ảnh: BĐP.

Với những bài học đắt giá, giới HLV luôn dành sự cảnh giác cao độ với các học trò của mình. Họ luôn phải đưa ra quyết định một là mạnh tay loại bỏ kiêu binh, hai là phải biết cách chung sống với lũ. Tuy nhiên, cũng có những HLV tạo được sự vững chắc cho chiếc ghế mình đang ngồi bằng cách tạo dựng các học trò ruột.

HLV Hoàng Anh Tuấn là người có sở trường làm điều này. Hồi còn dẫn dắt Khánh Hoà, ở trong đội ngôi sao lớn nhất chính là ông Tuấn. Từ trên xuống dưới, các cầu thủ không ai dám cãi lời. Đơn giản bởi, những cánh tay phải của HLV người Khánh Hoà đều là những trụ cột trong đội, nên chuyện kiểm soát hậu trường luôn dễ dàng và hiệu quả.

Khi về Hải Phòng, HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn giữ được cách làm cũ của mình. Tuy nhiên, ở hoàn cảnh hoàn toàn khác, việc ông Tuấn “con” ưu ái các cầu thủ Khánh Hoà nhiều đã trở thành nguồn cơn của những rắc rối. Sau một năm dẫn dắt Hải Phòng, ông Tuấn đã phải ra đi ở đầu mùa giải năm nay. Thầy đi rồi, học trò ruột cũng chẳng có lý do gì mà ở lại. Vì thế, lần lượt Tấn Tài, Quang Hải hay Văn Phong đều lên tiếng chia tay đội bóng. Những cầu thủ này biết rằng mình sẽ khó có thể hợp với người thầy mới.

Ở Ninh Bình, dù khá trẻ tuổi, HLV Nguyễn Văn Sỹ cũng đang xây dựng một đế chế vững chắc cho mình. Ngay từ khi về làm thuyền trưởng đội bóng cố đô, HLV Văn Sỹ đã lấy những cầu thủ gốc Nam Định về làm trụ cột. Ngọc Anh, Danh Ngọc, Mạnh Dũng, Văn Duyệt… đang rất chắc suất ở Ninh Bình. Ông Sỹ có trong tay nhiều học trò ruột, Ninh Bình có thời điểm gặp nhiều rắc rối, nhưng chiếc ghế của ông luôn chắc chắn. Thậm chí mới đây, thủ môn Mạnh Dũng và Phước Tứ có những biểu hiện ngôi sao hay thi đấu không tích cực, lập tức bị xử lý mạnh tay mà không gặp bất cứ sự phản ứng nào trong đội.

Ở Hà Nội T&T, HLV Phan Thanh Hùng sau 6 năm cầm quân, đã trở thành một người bố thứ hai với những cầu thủ như Sỹ Cường, Văn Biển, Quốc Long, Ngọc Duy…Không chỉ thầy trò ruột ở CLB, mà khi lên tuyển, ông Hùng cũng gọi rất nhiều cầu thủ Hà Nội T&T, từng tạo nên những phản ứng trong dự luận trước thềm AFF Cup 2012.

Ở SLNA, HLV Hữu Thắng cũng là ngôi sao trong đội. Ở mùa giải năm nay, khi những trụ cột như Trọng Hoàng, Văn Bình, Âu Văn Hoàn ra đi, ông Thắng ngay lập tức đôn các cầu thủ trẻ thay thế. Cánh tay phải của HLV Hữu Thắng sẽ là Công Vinh - cầu thủ được SLNA giữ lại bằng mọi giá trước lời mời tiền tỷ của Sapporo. Có một đội hình nội binh đều là học trò ruột, nên HLV Hữu Thắng không phải lo lắng các ngoại binh giở trò.

Với những HLV chân ướt chân ráo mới về nhận nhiệm vụ dẫn dắt một đội bóng nào đó, việc đầu tiên là phải có những học trò quen để có thể làm “vệ tinh”. Những HLV như Mai Đức Chung, Lê Thuỵ Hải khi đi đâu cũng thường mang theo những đệ ruột của mình. Và tất nhiên, những cầu thủ này sẽ được giao những vị trí quan trọng trong đội, vừa là để tạo nên sự ổn định trong lối chơi, vừa là tai mắt kiểm soát chuyện hậu trường. Tất nhiên, chẳng phải quan hệ thầy trò ruột nào cũng có thể tồn tại vĩnh cửu. Có đội bóng cho cả thầy lẫn trò phải ra đi như trường hợp của Hải Phòng. Cũng không ít trường hợp trò “phản” lại thầy. Mối quan hệ giữa HLV và cầu thủ luôn phức tạp, khó lường và mang tính tương đối.

Anh Phương

NgoiSao.net

Thầy trò ruột ở V-League - Ngôi sao


© 2021 FAP
  1,127,228       11/1,038