Giáo dục

Thầy giáo nghèo chỉ biết thiền để chữa ung thư gan

Phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối được hai tháng, không đủ tiền chữa trị, thầy giáo nghèo Nguyễn Xuân Huệ ở Trường THCS Nguyễn Minh Hoàng (quận 11, TP HCM) thiền ở nhà với ước mong vượt qua hiểm nghèo.

Trong căn nhà trọ tuềnh toàng tại quận 6, TP HCM, dù bệnh tật hiểm nghèo, thầy giáo Huệ vẫn tự mình chăm sóc bản thân, làm các công việc thường ngày và "tự thiền bằng cái tâm tĩnh lặng."

thay-giao-ngheo-chi-biet-thien-de-chua-ung-thu-gan

Hay tin thầy Nguyễn Xuân Huệ (bên phải) bị bạo bệnh, đại diện UBND quận 11 đã đến thăm và động viên tinh thần thầy. Ảnh: Hà Minh

Sinh năm 1966, thầy giáo Huệ thuộc lứa sinh viên đầu tiên của ngành tâm lý - giáo dục Đại học Sư phạm TP HCM. Năm 23 tuổi, dù có công việc ổn định, thầy vẫn quyết tâm thi vào Sư phạm TP HCM. 

Năm 1993, sau khi có bằng cử nhân tâm lý - giáo dục, thầy Huệ trụ lại TP HCM để nuôi nghề vì ở quê thì “không ai nhận người học tâm lý - giáo dục” làm giáo viên. Sự nghiệp dạy học của thầy bắt đầu với những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật được một nhà chùa tại quận 4, TP HCM cưu mang. Những mảnh đời khuyết tật, mồ côi từng bước đưa thầy Huệ đến Trường khuyết tật quận 4 rồi Trường khuyết tật quận 6, Trường khuyết tật quận 11, trước khi về làm giáo viên dạy tâm lý - kỹ năng sống ở Trường THCS Nguyễn Minh Hoàng, quận 11, vào năm 2012.

“Cả nhà tôi chủ yếu là giáo viên nên tôi không thấy nghề nào thích hợp với mình hơn là nghề giáo”, thầy Huệ rưng rưng khi kể lại quãng thời gian dài khó khăn trong quá khứ để đeo đuổi nghề. Tám năm ròng làm việc ngày nào thầy Huệ nhận lương ngày đó vì không có hộ khẩu TP HCM, không nơi nào ký hợp đồng hay nhận vào biên chế.

Khoảng năm 2000, khi nhập hộ khẩu được vào nhà dì ở quận 11, lúc đó thầy Huệ mới bắt đầu được hưởng bảo hiểm xã hội. “Cứ được từng ngày tiếp xúc với các em nhỏ là tôi vui. Tôi chỉ có một mình, nào cần thiết mấy thứ (hợp đồng, bảo hiểm xã hội) làm gì”, thầy Huệ lý giải khi đến nay đã 23 năm trong nghề nhưng chỉ đóng bảo hiểm được khoảng 15 năm. Nghèo khó, thầy Huệ cũng không màng đến chuyện lập gia đình.  

Cuối năm 2015, trong lần khám sức khỏe của giáo viên toàn trường, bác sĩ cho biết thầy Huệ có khối u nhưng “tôi chủ quan thấy mình ăn khỏe, ngủ khỏe, không có biểu hiện mà công việc nhiều nên nghĩ để từ từ đi khám”. Đầu tháng 8/2016, thấy mệt, thầy Huệ tới Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ kết luận có khối u trong gan rồi trả về.

“Có tâm với nghề, làm việc nghiêm túc, dạy học thu hút nên thầy Huệ được rất nhiều học sinh yêu quý, đồng nghiệp trân trọng”, cô Nguyễn Thụy Ái, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Minh Hoàng nhận xét về đồng nghiệp đang lâm bạo bệnh. Sau khi thầy Huệ bị bệnh, nhà trường đã giới thiệu thầy đến chữa trị tại Bệnh viện Thống nhất TP HCM. Điều trị được hai tháng tại đây, thầy Huệ ngưng vì chi phí chữa bệnh quá cao. Mỗi tháng thầy phải chi trả 35 triệu đồng (đã trừ khoản chi phí do bảo hiểm y tế trả).

thay-giao-ngheo-chi-biet-thien-de-chua-ung-thu-gan-1

Cô Nguyễn Thụy Ái (bìa phải), Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Minh Hoàng, đã khóc khi nói về hoàn cảnh đáng thương của thầy Nguyễn Xuân Huệ. Ảnh: Hà Minh

Từ đầu tháng 10 đến nay, thầy thiền ở nhà để tự chữa bệnh. “Mấy tháng nay tôi đã dùng hết cả thu nhập tích cóp từ nghề giáo mấy chục năm qua. Nay ở nhà giữ tâm trong, không suy nghĩ, thiền để mong bệnh giảm bớt, mà tôi thấy giảm thật”, thầy Huệ nói. 

Không vợ con, sống nhà trọ, nhưng từ khi phát hiện bạo bệnh, nỗi lo thường trực của thầy Huệ là sợ mẹ già 84 tuổi bị cao huyết áp phát hiện ra mình bị bệnh hiểm nghèo. “Mẹ già yếu sống cùng em gái, trước nay tôi vẫn gửi tiền về chăm sóc mẹ. Giờ tôi bệnh tật thế này không biết lấy ai chăm sóc mẹ đây”, thầy Huệ ngậm ngùi vì thấy chưa làm tròn đạo hiếu.

Hà Minh

VNExpress

THCS Nguyễn Minh Hoàng, thầy giáo nghèo, thiền chữa bệnh


© 2021 FAP
  864,146       5/964