Thương mẹ chịu nhiều vất vả khi đôi chân không thể đi lại như bao người nên ngoài giờ học, Vy rất chăm chỉ phụ giúp mọi việc trong ngoài rất tinh tươm.
Tuần vừa qua tôi có chuyến đi thăm và tặng quà cho một số người khuyết tật ở Thái Bình. Tại đây, tôi biết đến hoàn cảnh của hai mẹ con cô Vũ Thị Thanh Vân, một người khuyết tật và là bà mẹ đơn thân của cháu Cao Yến Vy, học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Phú, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Bản thân tôi cũng là một người khuyết tật nên thấu hiểu những khó khăn trăm bề mà những người như chúng tôi gặp phải trong cuộc sống. Cô Vân còn bị nặng hơn tôi vì không thể tự mình di chuyển được. Nhưng điều mà hai mẹ con cô Vân và cháu Vy làm được khiến tôi rất ngưỡng mộ và thương cảm.
Sinh ra trong gia đình nông thôn nghèo khó và bị liệt hai chân, nhưng cô Vũ Thị Thanh Vân không đầu hàng số phận. Không cam chịu số phận, cô đã chăm chỉ học hành và một mình ra thành phố Thái Bình trọ học. Cô nhận được bằng Trung cấp chuyên nghiệp. Không xin được việc làm đúng chuyên ngành, nhưng cô Vân vẫn nhất quyết bám trụ lại thành phố, vừa thuê nhà, vừa tự lập kiếm sống bằng việc dạy kèm và thêu tranh chữ thập... Dù khuyết tật, thương xuyên bị cơn đau xương khớp hành hạ và không có việc làm ổn định, nhưng với bản năng của một người phụ nữ, khao khát được làm mẹ, cô quyết định sinh ra cháu Vy trong muôn vàn khó khăn.
Dù việc sinh nở rất gian nan nhưng may sao bé Vy ra đời không mang dị tật. Lúc sinh cháu chỉ được có 1,7 kg nhưng khi lớn lên, Vy lại khỏe mạnh, xinh xắn và rất ngoan ngoãn. Hiện hai mẹ con vẫn sống tại một phòng trọ bé tí nằm tít trong con ngõ nhỏ tại phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Căn nhà ấy luôn gọn gàng, sạch sẽ và tinh tươm bởi có bàn tay dọn dẹp của hai người phụ nữ.
Vy luôn là người bạn và cũng là trợ thủ đắc lực cho mẹ. Thương mẹ chịu nhiều vất vả nên ngoài giờ học Vy rất chăm chỉ phụ giúp mọi việc từ nấu cơm, giặt giũ, quét dọn nhà cửa đến đính cườm, thêu tranh chữ thập để kiếm thu nhập.
Cô Vân bị liệt hai chân nên hầu hết việc di chuyển đều phải nhờ người khác. Ngày xưa cô thường phải nhờ hàng xóm, nhưng giờ Vy đã lớn nên có thể giúp mẹ mọi thứ. Vy khoe với tôi: “Nhìn cháu bé thế này thôi nhưng có thể bế mẹ vào nhà tắm được rồi ạ”. Vy cũng chính là chân giao hàng chủ lực và là người đẩy xe lăn cho mẹ mỗi khi ra ngoài đường.
Dù vất vả với việc mưu sinh nhưng Vy luôn vui vẻ và yêu đời. Em cũng rất chăm chỉ học hành, năm nào cũng được tuyên dương trước toàn trường vì hoàn thành xuất sắc các nội dung môn học và là tấm gương vượt khó để nhiều bạn noi theo. Bước vào lớp 6, em cũng rất nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Cô giáo chủ nhiệm luôn khen em chăm chỉ học bài và thường xuyên hăng hái phát biểu trước lớp.
Nhưng khi tôi hỏi em có ước mơ sau này sẽ trở thành người như thế nào thì Vy cúi đầu không nói. Tôi gợi ý chẳng hạn muốn làm một cô giáo, một bác sĩ hay một hướng dẫn viên du lịch được đi đây đi đó… Im lặng một lát, Vy khẽ đáp: “Em mong trở thành một nhà khoa học để chế tạo một đôi chân lành lặn để giúp mẹ có thể tự đi lại được”. Tôi như lặng đi vì cảm phục em. Một ước mơ rất trẻ thơ nhưng cũng thật chín chắn. Với tôi, có lẽ Vy đã chạm vào ước mơ của mình bởi em cũng chính là đôi chân kỳ diệu của mẹ.
Mong rằng mẹ con em Vy sẽ luôn mạnh khỏe và vững vàng trong cuộc sống. Mong sao con đường của hai mẹ con sẽ bớt gập ghềnh hơn.
Trần Thị Tuyết Nga
Học bổng Đèn Đom Đóm, VnExpress, Dutch Lady