Hiểu được những khó khăn cũng như nỗi vất vả, hy sinh của bố mẹ, Phương đã cố gắng chăm ngoan, học giỏi, đạt được nhiều thành tích cao trong học tập.
Rời xa vòng tay mẹ vì một biến cố gia đình khi em chưa đầy 3 tuổi, cô bé lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha. Rồi một ngày, cuộc sống quá khó khăn, anh quyết định để con sống cùng gia đình nhà bác bên nội và vào Nam lập nghiệp. Hiểu được những khó khăn cũng như nỗi vất vả, hy sinh của bố, Phương luôn cố gắng chăm ngoan, học giỏi, đạt được nhiều thành tích cao trong học tập.
Đây là câu chuyện đầy nước mắt của một cô bé tên Phạm Thị Thanh Phương (2006), đang là học lớp 5B Trường Tiểu học Các Sơn B, Thôn Hoành Sơn, Xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Mẹ ra đi, bỏ lại hai bố con với số nợ lớn. Ở quê nghèo để kiếm một công việc làm ổn định rất là khó. Nhận thấy điều đó, anh Chiên (bố của Phương) đành phải gửi gắm con ở nhà bác và vào Nam đi làm thuê. Mong một ngày có thể kiếm thật nhiều tiền để tương lai sau này của con bớt khổ hơn.
Thật tình cờ, trong một lần nói chuyện qua điện thoại với cậu, tôi có nghe cậu kể sơ qua về cuộc sống của Phương. Không chần chừ, tôi xin ngay địa chỉ để tìm hiểu cuộc sống và giúp đỡ em.
Tôi đến nhà em vừa đúng lúc em đi chăn bò về. Bước chân vào nhà, cảnh tượng xuất hiện trước mắt tôi đó là cái bàn học bị mối ăn mòn, được kê bởi vài viên gạch tạm bợ. Chắc hẳn, đối với em, đây có lẽ là tài sản lớn nhất. Rót nước mời tôi, cô Bình (bác của Phương) kể: “Phương là đứa cháu rất ngoan, vì vậy cô cũng xem nó như con ruột của mình, yêu thương và chăm sóc không khác gì mẹ nó".
Cô tâm sự tiếp dù không có bố mẹ bên cạnh, nhưng cháu Phương vẫn chăm ngoan - học giỏi, năm nào cũng là học sinh xuất sắc của trường. Đây chính là niềm động viên rất lớn về mặt tinh thần đối với chúng tôi, đặc biệt là bố của cháu. Nhìn vẻ mặt buồn rầu, tôi phần nào hiểu được những trăn trở, khó nhọc, lo lắng của cô dành cho Phương.
Trong mắt mọi người, Phương là một cô bé rất ngoan. Không chỉ vậy, em còn học rất giỏi, năm nào cũng được học sinh xuất sắc của trường. Hiểu được nỗi vất vả, khó nhọc của bố và bác, ngày nào cũng vậy, sau giờ tan học, em đều chạy thật nhanh về nhà để có thể phụ giúp công việc với bác. Hôm nào được nghỉ, em lại đi chăn bò, mò cua bắt ốc để có thể cải thiện bữa cơm. Em chưa bao giờ biết đến cái gọi là ăn sáng hay nghỉ trưa như những đứa trẻ khác. Tôi nghĩ những điều này quá bất công đối với một đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi như Phương.
Phương có cho biết, ngày mẹ đi, em đang còn nhỏ, vì vậy trong mắt em giờ chỉ có hình ảnh của bố. Em không muốn tìm mẹ. Bây giờ, em chỉ có một điều ước duy nhất đó là bố và bác luôn được mạnh khỏe để có thể là chỗ dựa vững chắc nhất về mặt vật chất cũng như tinh thần cho em. Việc gì em làm được đều cố gắng làm để bác đỡ đi được phần nào khó nhọc. Em thương bố thương và bác vì vậy em sẽ không bao giờ buồn, mà lấy đó làm động lực để cố gắng học tập thật tốt với một niềm tin sau này được thành công.
Qua lời chia sẻ của Phương, tôi nhìn lại bản thân thấy còn may mắn hơn em. Tôi không được mạnh mẽ, kiên cường như em. Lớn bằng từng này tuổi mà tôi vẫn hay khóc, làm nũng bố mẹ khi có chuyện buồn. Phương đã rất cố gắng, em biết lấy nỗi đau, sự mất mát để làm động lực sống và học tập tốt đến ngày hôm nay.
Cô Bình cho biết phải vay mượn hàng xóm để có tiền mua đồ dùng học tập và đóng tiền học cho Phương. Cô chờ lúa phơi khô rồi bán để có tiền trả món nợ này. Bố của Phương vừa mới trả một khoản nợ ngân hàng, số tiền này vay từ ngày mẹ em còn ở đây. Không biết trả khi nào mới hết nên giờ bố vẫn chưa có tiền gửi về đóng học phí cho phương.
Thương lắm, nhưng tôi cũng không biết làm gì để có thể giúp đỡ gia đình bác và em Phương. Tôi không thể cầm được nước mắt với hoàn cảnh gia đình của Phương. Nếu có một số tiền trong tay không cần lớn, chỉ đủ để có thể trả khoản nợ đó, tôi sẵn sàng giúp gia đình em. Thế nhưng, tôi cũng là một sinh viên đang ăn bám bố mẹ. Nghĩ về mình, tôi lại thương em và gia đình nhiều hơn.
Vậy qua chia sẻ này, tôi mong chương trình sẽ tiếp sức để em có thể tiếp tục đến trường và thực hiện ước mơ cho tương lai phía trước.
Phạm Thị Trang
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.
VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng