Thay vì tập trung ôn tập vào một số phần trọng tâm như mọi năm, thầy trò sẽ phải hướng đến toàn bộ kiến thức lớp 12 để đảm bảo không bỏ sót, bởi phần bỏ qua có thể nằm trong đề chính thức.
Cô Nguyễn Hương, giáo viên Lịch sử khối 12 nhận định, so với đề tự luận mọi năm thì đề thi trắc nghiệm có nhiều kiến thức, phủ khắp chương trình lớp 12. "Học sinh dễ lấy điểm 5-6, điểm 9-10 thì khó bởi nhiều câu phân loại", cô nói.
Giáo viên này phân tích, học sinh ngoài nhớ sự kiện buộc phải hiểu bản chất vấn đề để lấy điểm. Bởi các câu hỏi phân loại có đáp án 50/50, nằm ở câu về quyền dân tộc, dân chủ. Hay như câu 40, học sinh có thể loại ngay đáp án A và D, còn lại B và C thì phải phân vân lựa chọn.
Với cấu trúc đề này, Cô Hương nhận thấy cách viết của học sinh ngày càng kém đi do sức hút của bộ môn không còn. Với cách học và thi trắc nghiệm, sau này lên đại học không biết các em sẽ viết lách ra sao.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu - giáo viên môn Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nhận xét, đề minh họa môn Lịch sử có kiến thức khá “nhẹ nhàng”, nội dung bám sát chương trình lớp 12. Đề gồm cả kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới, giống kết cấu của mọi năm.
Thầy giáo cho rằng đề minh họa đang thiên về học thuộc nhiều hơn. Học sinh chỉ cần nhớ máy móc tốt là lấy được 5 điểm. Các học sinh thi khối không có môn Lịch sử cũng dễ dàng đạt điểm trên trung bình. “Mức độ nhẹ nhàng và thiên về ghi nhớ của đề như vậy chắc chắn sẽ làm số lượng học sinh chọn thi Lịch sử tăng lên. Đây là tín hiệu đáng mừng và là ưu điểm của đề minh họa, nó cải thiện hình ảnh của môn Sử nhiều năm qua”, Ths. Hiếu nói.
Tuy nhiên, giáo viên trường chuyên này cho rằng, đề minh họa chỉ phù hợp cho mục tiêu xét tốt nghiệp. Mục tiêu xét tuyển đại học, nhất là chọn được học sinh chất lượng cho trường top cao, đề thi này chưa đáp ứng được. Trong 40 câu trắc nghiệm, chỉ có 5 câu hỏi tương đối khó. Các câu đòi hỏi khả năng tư duy, phân tích, tổng hợp, vận dụng thực tế, đề không có.
“Nên có sự điều chỉnh, tăng câu hỏi mang tính tư duy, đòi hỏi mức độ thông hiểu, vận dụng kiến thức. Nếu đọc kỹ 40 câu trong thời gian làm bài 50 phút, tôi thấy khá vất vả cho học sinh”, thầy Hiếu nói.
>>Đề minh họa môn Sử kỳ thi THPT quốc gia 2017
Những năm trước, Sử thi kiểu tự luận và rất ít thí sinh lựa chọn. Nhiều phòng thi chưa tới 10 thí sinh. Ảnh: Giang Huy. |
Cô Kim Chi, giáo viên dạy Sử lớp 12 ở Cầu Giấy (Hà Nội) phân tích đề thi minh họa môn Lịch sử có 3 điểm được: sự phân loại học sinh tốt, câu hỏi rõ ràng và kiến thức được hỏi rất rộng, bao gồm tất cả nội dung chương trình lớp 12. Với đề thi những năm trước, giáo viên ôn thi có thể lướt qua một số nội dung trong chương trình giảm tải, nhưng với đề thi năm nay thì không thể. Để giành được điểm cao, ngoài việc ghi nhớ tốt, học sinh phải thực sự hiểu bài.
Điểm chưa hợp lý trong đề minh họa môn Lịch sử, theo cô Chi, là các dạng câu hỏi còn đơn điệu. Bộ phận ra đề nên cho thêm 2 đến 3 dạng câu hỏi như dạng ghép nối thời gian và sự kiện hay dạng điền thông tin vào ô khuyết để tăng sự đa dạng và tránh nhàm chán cho học sinh. Cô tỏ ra lo lắng vì 40 câu hỏi Lịch sử trong bài thi bao gồm 3 môn sẽ tạo áp lực lớn cho học sinh. Nếu làm cả bài tổ hợp 120 câu hỏi ở 3 môn, học sinh phải đọc 18 trang với rất nhiều nội dung trong vòng 150 phút thì quá căng thẳng.
Cô Chi cũng cho biết đã tự lên kế hoạch điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Cô sẽ phân loại kỹ lưỡng học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội chỉ để xét tốt nghiệp và học sinh lựa chọn tổ hợp này thi đại học để có phương án dạy phù hợp, tránh gây chán nản cho cả cô và trò. Trong quá trình dạy, cô cũng sẽ đặc biệt lưu ý đến việc nhấn mạnh từ khóa, yêu cầu học sinh tự đặt ra những câu hỏi liên quan đến từ khóa đó để có thể ghi nhớ lâu hơn.
T.Tâm - H.Phương - Q.Trang
đề thi minh họa môn Lịch sử, kỳ thi THPT quốc gia, giáo viên, học sinh