Từng sợ hãi mỗi khi đến giờ học tiếng Anh, nhưng nay có thể chinh phục được 3 ngoại ngữ là tiếng Anh, Trung, Nga, chị Lại Hà Giang chia sẻ hai lý do khiến chị cũng như nhiều học sinh Việt Nam dốt ngoại ngữ.
VnExpress giới thiệu bài viết của tác giả Lại Hà Giang, huấn luyện viên trong lĩnh vực làm cha mẹ/parenting tại Singapore.
Tôi từng nghĩ rằng mình không có khả năng học ngoại ngữ. Tôi vẫn nhớ cảm giác chán nản và sợ hãi mỗi khi đến tiết học tiếng Anh thời phổ thông. Đến bây giờ, khi đã chinh phục được 3 ngoại ngữ Anh, Trung, Nga chỉ trong khoảng thời gian 1-2 năm, tôi nhận ra mình có năng khiếu học ngoại ngữ. Trở về quá khứ để trả lời câu hỏi: “Tại sao mình từng sợ học tiếng Anh đến vậy?”, tôi đã tìm ra được 2 nguyên do chính khiến tôi mắc bệnh “dốt ngoại ngữ”, “dốt tiếng Anh”.
Nguyên nhân thứ nhất, nội dung giảng dạy tiếng Anh trong sách giáo khoa vô cùng nhàm chán, phương pháp dạy học thụ động. Tiếng Anh thời phổ thông trong ký ức của tôi quanh đi quẩn lại chỉ là mấy cấu trúc câu quen thuộc “Hi, Hello, How are you?/I am fine, thank you. And you?”, “What is this?/ This is…”. Chắc vì nội dung lặp đi lặp lại qua các lớp, các cấp học như vậy nên giáo viên cũng chán và nản luôn, chẳng buồn tích cực sáng tạo, đổi mới, nâng cao năng lực để đưa ra những bài giảng chất lượng và hấp dẫn cho các lứa học trò.
Ngày ấy, với tôi, ngữ pháp tiếng Anh quả là ma trận vô cùng phức tạp và rối rắm. Cả một năm trời mà học vẫn không nổi 12 thì trong tiếng Anh. Sau này, khi tự học tiếng Anh, tôi chỉ mất khoảng 2-3 ngày để tự đọc, tự ghi chép, hệ thống lại bằng cột bảng để phân biệt sự giống và khác nhau trong công thức, cách sử dụng và dấu hiệu nhận biết của 12 thì này. Từ đó, tôi nhận ra, ngữ pháp tiếng Anh vô cùng đơn giản. Học tiếng Anh cũng dễ hơn rất nhiều so với học tiếng Trung và tiếng Nga.
Theo tôi, để học sinh có sự khởi đầu tốt với chương trình tiếng Anh phổ thông, nội dung giảng dạy ngữ pháp cần được đơn giản hóa bằng cách giới thiệu cho các con bức tranh lớn, sau đó đi vào chi tiết các phần, mục trong sự đối chiếu, so sánh. Nội dung phần nghe - nói cần được đa dạng hóa và mang tính kế tiếp, liên tục. Tâm lý học sinh thường rất hiếu kỳ, thích thú với những điều mới lạ và mong muốn được thể hiện bản thân. Do vậy, các bài đọc hiểu nên đề cập đến vấn đề mang tính thời sự, toàn cầu, các bài luận, thuyết trình cần khuyến khích học sinh thể hiện quan điểm cá nhân.
Tính sáng tạo, tư duy phản biện và cá tính độc đáo của học sinh sẽ phát huy khi áp lực về điểm số, áp lực của những bài kiểm tra 15 phút hay 45 phút (một tiết) được loại bỏ. Các bài kiểm tra miệng hay kiểm tra 15 phút nên thay bằng bài luận cá nhân để học sinh được thể hiện chính kiến hoặc chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình. Các bài kiểm tra một tiết nên được thay thế bằng bài thuyết trình theo nhóm về một chủ đề, đề tài do giáo viên đưa ra hoặc do học sinh tự chọn. Các bài thuyết trình này sẽ giúp học sinh học được rất nhiều, không chỉ tiếng Anh, mà còn rèn luyện được các kỹ năng quan trọng khác như: kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng nghe - nói, kỹ năng trình bày vấn đề…
Với nội dung cùng phương cách dạy và học như vậy, tôi tin chắc rằng, học trò sẽ vô cùng hứng thú với những tiết học tiếng Anh trong nhà trường. Ở đó, các con được tự do thể hiện và khẳng định bản thân, được giáo viên yêu thương, tin tưởng và công nhận những nỗ lực hoặc thậm chí cả những sai sót, được thấy mình đóng vai trò quan trọng trong đội nhóm. Sự tự tin, lòng tự trọng là động lực mạnh mẽ giúp chúng ta luôn cố gắng, nỗ lực và phấn đấu để trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Chị Lại Hà Giang chụp tại lễ tốt nghiệp của Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU). |
Nguyên nhân thứ hai, tôi đã không hiểu lý do vì sao tôi phải học tiếng Anh. Mục tiêu học tập của tôi khi học phổ thông rất đơn giản, theo đúng yêu cầu và nguyện vọng của cha mẹ “Học để ấm vào thân, Học để vào đại học”. Ngày ấy, tôi không hiểu vì sao học lại làm “ấm thân”, còn vào đại học thì chỉ cần cố học tốt 3 môn phân ban là đủ. Tôi học lớp chuyên Văn, ghét học ngoại ngữ, nên lựa chọn tốt nhất và duy nhất đó là học khối C gồm 3 môn Văn, Sử, Địa.
Đến khi vào đại học, tôi được phân vào lớp tiếng Nga cho môn ngoại ngữ, học trong 2 năm. Lúc này, tôi đã hiểu được tầm quan trọng của bằng cấp khi đi kiếm việc, tôi xác định phải đạt được bảng điểm thật đẹp cho tấm bằng đại học. Do vậy, tôi rất nghiêm túc khi bắt tay vào công cuộc chinh phục tiếng Nga.
Được học bài bản ngay từ đầu với tinh thần chủ động, tích cực và nỗ lực không ngừng, cùng với sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên tiếng Nga tại Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đã có được nền tảng tiếng Nga vững chắc, từ ngữ pháp, cách phát âm, cách viết, cách đọc. Các thầy cô cũng gieo trong tôi tình yêu với nước Nga, yêu con người Nga, văn hóa Nga, những bài hát tiếng Nga.
Từ người mù tịt về tiếng Nga, tôi đã liên tiếp đạt được điểm số gần như tuyệt đối với môn ngoại ngữ này. Từ người khiếp học ngoại ngữ, từng coi mình là “dốt ngoại ngữ”, tôi đã có thể nhanh chóng chinh phục tiếng Nga. Lý do giúp tôi học giỏi tiếng Nga lúc ấy là để có bảng điểm đẹp, tấm bằng giỏi để dễ kiếm việc sau khi tốt nghiệp đại học.
Đến năm thứ 2 đại học, tôi được chị gái đang du học tại Đại học NTU, Singapore - trường đứng thứ 13 trên thế giới năm 2015/2016 theo bảng xếp hạng của Quacquarelli Symonds (QS), đưa sang quốc đảo này để tham quan, trải nghiệm. Được chị đưa lên các giảng đường và thư viện của Đại học NTU, được trải nghiệm cuộc sống của sinh viên NTU, được hoà nhịp trong cuộc sống văn minh, hiện đại tại đất nước Singapore, ước mơ đi du học tại NTU, Singapore đã trỗi dậy trong tôi vô cùng mạnh mẽ.
Lúc này, động lực học tiếng Anh của tôi là để thực hiện ước mơ du học. Tôi tự học tiếng Anh không mệt mỏi, mọi lúc, mọi nơi. Và trong 2 năm nỗ lực không ngừng, tôi đã hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng: vừa hoàn thành chương trình Đại học tại Việt Nam, vừa học tiếng Anh để chuẩn bị sẵn sàng cho hồ sơ du học.
Qua trải nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy rằng, để chinh phục được bất cứ ngoại ngữ nào, dù là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn…, chúng ta cần hiểu lý do vì sao cần học hoặc phải học ngoại ngữ đó. Nói cách khác, đó là chúng ta cần phải bắt đầu bằng câu hỏi “Tại sao?”.
Nếu chọn học tiếng Anh, bạn cần phải hỏi những câu hỏi quan trọng như: “Tại sao tôi phải học tiếng Anh?”, “Tại sao tiếng Anh lại quan trọng với cuộc sống của tôi?”, “Tiếng Anh sẽ giúp gì cho công việc trong tương lai của tôi?”… Trả lời được những câu hỏi này, tức là bạn đã hiểu được lý do vì sao phải học tiếng Anh và tìm được động lực để chinh phục ngôn ngữ này.
Tuy nhiên, để có được động lực mạnh mẽ giúp bạn ăn ngủ cùng tiếng Anh hay bất kỳ ngoại ngữ nào, bạn cần có một mục tiêu đủ lớn, một ước mơ đủ lớn, một khát vọng “đổi đời”. Khát vọng ấy sẽ tiếp cho bạn năng lượng và cảm hứng để sống hết mình, học tập hết sức để biến ước mơ ấy sớm trở thành hiện thực. Tôi mong bạn cũng sớm tìm được ước mơ đó trong bạn hoặc trong con của bạn.
Lại Hà Giang
hai lý do, học sinh Việt Nam, dốt ngoại ngữ