Giáo dục

Cô giáo 39 kg gieo chữ 29 năm nơi đảo xa

Thấy đời sống người dân Bản Sen (Vân Đồn, Quảng Ninh) bao năm vẫn nghèo, nhiều đêm suy nghĩ, cô Hợi chỉ muốn xin về đất liền, nhưng nhìn học trò quấn quýt quá lại thôi.

Một năm sau trận lũ lịch sử 50 năm mới gặp một lần, cuộc sống của người dân xã đảo Bản Sen, nơi từng bị nước lũ càn quét trắng tay ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã trở lại bình thường. Con đường từ cầu cảng vào trường PTCS Bản Sen phải di chuyển bằng xe lam, lắc lư qua những con dốc. Vượt quãng đường 12 km từ thôn xa nhất, 151 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 vẫn đều đặn đến trường.

co-giao-39-kg-29-nam-day-hoc-o-dao

Hơn nửa cuộc đời, cô Hợi gắn bó với những học sinh nơi khó nhất của huyện đảo Vân Đồn. Ảnh: Hoàng Phương.

Trường nằm lọt giữa thung lũng, xung quanh là nhấp nhô những đồi cây. Giáo viên "cắm đảo" toàn các cô, chỉ có một thầy dạy thể dục. Cô Nguyễn Thị Hợi (50 tuổi) có 29 năm dạy học quanh các trường khó khăn của huyện đảo Vân Đồn, trong đó có hai lần ra Bản Sen dạy học.

Lần đầu tiên cô Hợi ra đây là những năm 1989-1990, đầu tuần ra đảo, cuối tuần lại về với gia đình. Hôm nào sóng to gió lớn thì ở lại trường với học sinh, mùa mưa bão có khi ở lại cả tháng. Xã đảo chưa có điện, mùa đông thường rất lạnh. Gió biển lạnh căm căm thổi thốc vào mấy phòng học đơn sơ khiến cô lẫn trò run cầm cập. Các cô thường rủ nhau đi gánh nước ở khe để dùng. Quanh đảo trồng toàn sú, vẹt, mùa hè ngủ vẫn phải đắp chăn vì sợ muỗi và dĩn cắn.

Trở lại Bản Sen lần thứ hai vào năm 2011, cô Hợi thấy xã đảo vẫn nghèo và đơn sơ như vậy. "Hơn 20 năm quay lại, đời sống người dân không thay đổi nhiều. Có đêm mình nằm nghĩ ngợi chỉ muốn quay lại đất liền. Nhưng nhìn lũ học trò quấn quýt quá, lại thôi", cô chia sẻ.

co-giao-39-kg-29-nam-day-hoc-o-dao-1

Cuộc sống khó khăn của giáo viên "cắm đảo" đôi lúc khiến cô nản lòng, khi quen rồi lại đủ sức vượt qua tất cả.  Ảnh: Hoàng Phương.

Cô giáo dáng người nhỏ bé, chỉ nặng 39 kg nhưng năng nổ, nhiệt tình. Ngoài dạy 2 môn Địa lý và Hóa học, cô Hợi còn huấn luyện đội tuyển học sinh giỏi của trường. Ba năm liên tiếp các em giành giải tỉnh, huyện ghi nhận nỗ lực lớn của cô và trò, là niềm động viên cho chặng đường khó khăn mà cô trải qua để ở lại với học trò trên đảo. Cô Hợi còn tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học đạt giải ba với đề tài "Quảng bá du lịch ở xã Bản Sen". Để thực hiện, cả nhóm phải nhờ xuồng du lịch đưa đi khảo sát, chụp hình các hang động quanh xã.

"Chỉ có cách phát triển du lịch thì may ra cuộc sống của người dân mới khá hơn, các em mới được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài", cô nói.

Cuối năm 2015, Bản Sen mới có điện. Khi đó, các cô không còn soạn giáo án bằng tay mà chuyển sang đánh máy. Có tuổi rồi, cô Hợi học "bọn trẻ" cách dùng máy tính, cách đánh văn bản, thi lấy bằng tin học, giảng bài bằng máy chiếu.

co-giao-39-kg-29-nam-day-hoc-o-dao-2

Xung quanh xã đảo Bản Sen có khá nhiều hang động, cô Hợi hy vọng thời gian tới nơi này sẽ phát triển du lịch để cuộc sống người dân đỡ vất vả. Ảnh: Hoàng Phương.

Hơn nửa cuộc đời dạy học ở nơi khó khăn và ngoài xã đảo, thời gian cô Hợi dành cho học sinh còn nhiều hơn thời gian chăm sóc hai con. Con trai đầu của cô đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội và đi làm, con gái thứ hai đang học Đại học Y khoa Vinh. "Nhiều lúc nghĩ cũng buồn, thấy mình có lỗi với các con, nhưng chắc bọn trẻ sẽ hiểu công việc mẹ chúng làm", cô nói.

Cô Hoàng Thúy Phương, Hiệu trưởng trường PHCS Bản Sen cho hay, cô Hợi thuộc thế hệ thầy cô giáo đảo dạy học sớm, có chuyên môn và rất nhiệt tình. "Hầu hết thầy cô giáo nơi đây đều vất vả, dạy học trong điều kiện khó khăn. Cuộc sống của người dân còn nghèo nên tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 được đi học tiếp chỉ khoảng 60-70%", cô Phương nói. 

Hoàng Phương

VNExpress

xã Bản Sen, Vân Đồn, Quảng Ninh, cô giáo 39 kg, chia sẻ cùng thầy cô.


© 2021 FAP
  872,471       1/788