Mất mẹ, cha bỏ đi không đoái hoài, Ngân lớn lên với bữa rau cháo của bà ngoại. Hiểu được hoàn cảnh của mình, em luôn em ngoan hiền, lễ phép và chăm học.
“Con nhớ mẹ lắm. Con ước được có mẹ…” là câu nói ngây thơ, nhưng chan chứa nước mắt của em Cao Thị Ngân, học sinh trường Tiểu học Hoài Phú khi hỏi về mẹ.
Hàng ngày tôi vẫn gặp em - hình ảnh một đứa bé gầy gò đen đuốc với vẻ mặt lúc nào cũng khắc khoải xa xăm, nhưng đôi mắt lại rạng ngời tia hy vọng.
Ai cũng có một số phận của riêng mình, nhưng với Ngân sao bất hạnh quá đỗi. Lúc mẹ Ngân mang bầu cũng là lúc ba em rời bỏ để đi theo một người phụ nữ khác. Một mình mẹ em chịu đựng bao tủi nhục, những lời nói ra vào miệt thị từ bà con lối xóm. Người cảm thông, người khinh rẻ.
Rồi người phụ nữ ấy đã vượt qua tất cả, vượt lên nỗi đau thể xác lẫn tinh thần một mình âm thầm sinh em ra với những thiếu thốn của gia đình hộ nghèo. Tưởng chừng nỗi đau được bù đắp khi em đến với thế giới này để xoa dịu lòng mẹ, nhưng cuộc sống trớ trêu lắm. Khi sinh ra Ngân đã không có cha, thì lúc em tròn một tuổi, mẹ lại đột ngột mất vì căn bệnh ung thư gan. Thời gian phát hiện bệnh đến lúc mất chỉ vỏn vẹn một tháng.
Tình mẫu tử ngắn ngủi quá, nó đắng cay và uất nghẹn khi tuổi thơ em không biết gì. Tôi chỉ nghe tiếng em khóc vì nhớ mẹ, vì khát sữa và những giá buốt lạnh nơi tâm hồn cần có vòng tay mẹ sưởi ấm. Ngày mẹ mấ,t em cũng chỉ chập chững những bước đi đầu đời. Mang chiếc khăn tang trên đầu nhưng em nào biết đó là nỗi đau mà em sẽ gánh chịu - mẹ mãi rời xa.
Mất mẹ, cha bỏ đi không đoái hoài, em lớn lên với bữa rau cháo của bà ngoại nay đã bước qua cái tuổi 80. Mỗi lần nhắc đến con gái, và cháu ngoại thì tôi chỉ thấy nước mắt cụ lăn dài. Những câu nói khiến người nghe nghẹn lòng: "Không biết sau này bà chết đi rồi còn ai nuôi và lo cho con bé, tội nghiệp nó". Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đẻ biết cụ đã phải chịu nhiều mất mát và đau khổ đến thế nào rồi!
Dường như hiểu được hoàn cảnh của mình và sợ bà vất vả nên từ ngày mẹ ra đi, Ngân không quấy khóc hay khó chịu.Ngân lớn lên như một mầm non giữa đời. Em ngoan hiền và lễ phép. Hàng ngày, sau giờ học, em về phụ giúp bà công việc nhỏ. Mới chỉ là học sinh lớp 3 thôi, nhưng em phải nấu cơm, dọn dẹp và làm hết mọi việc trong nhà vì bà ngoại đã già yếu. Hai bà cháu bám víu nhau mà sống qua ngày nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm và những khoản phụ cấp ít ỏi.
Nỗi đau là thế nhưng chẳng làm chùn bước chân em. Tôi biết và ngưỡng mộ em không phải ở một đứa bé học giỏi. Mà tôi khâm phục em ở nghị lực và sự vượt khó. Hàng ngày tôi vẫn thấy em với bộ đồ cũ kỹ trên chiếc xe đạp thô sơ đã sờn màu. Khuôn mặt em đen đuốc thấm đượm một nỗi buồn không thể gọi thành tên, che đi sự hồn nhiên của tuổi thơ bé bỏng. Tuy nhiên, tôi nhận ra đôi mắt sáng ngời như muốn thắp sáng ước mơ mà em luôn nhen nhóm để trở thành một nhà giáo.
Ngân vẫn đến trường, luôn ngoan hiền, lễ phép với thầy cô giáo, hòa nhã cùng bạn bè. Trong Ngân luôn khát khao một ước mơ cháy bỏng về giấc mơ được cắp sách đến trường để thực hiện dự định mà em hằng ấp ủ. Khó khăn, vất vả khi thiếu vắng tình thương của một gia đình là vậy, nhưng chẳng bao giờ làm chùn bước chân em đến trường.
Có đôi lần nhớ mẹ, đôi tay em bé nhỏ xinh xinh gầy guộc, đen nhẽm thắp cho mẹ nén nhang. Cũng đôi lần em khóc vì điều ước giản đơn không thể nào thực hiện. Đôi chân nhỏ xíu của em một mình vượt qua tất cả dù trời nắng hay mưa. Tôi vẫn thấy em với thân hình gầy gò bé nhỏ trên chiếc xe đạp đã cũ, lăn bước chở ước mơ của em đến trường mỗi ngày.
Ước mơ vẫn còn đó, vẫn hàng ngày đang nhen nhóm trong từng trang sách mà em đến trường. Liệu rằng ước mơ của em sẽ đi về đâu khi tuổi ngoại đã già?. Chỉ cần nghĩ đến cảnh em không còn người thân nào trên cõi đời này nữa cũng đủ bóp nghẹn trái tim của em và cả tôi. Một tương lai mịt mờ, những dòng đời hối hả như xô đẩy ước mơ đến trường của em dần xa hơn mỗi ngày.
Cầu mong em mạnh mẽ để tiếp tục bước qua những mũi gai nhọn của cuộc đời và viết tiếp ước mơ còn dang dở.
Nguyễn Thị Bích Nga
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.
VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng