Giáo dục

Ước mơ đến trường của 2 đứa trẻ mồ côi cha

Là học sinh khá - giỏi nhiều năm liền, nhưng vì hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau nên hai em Mạnh và Quỳnh lo một ngày nào đó sẽ không được đến trường.

Một buổi chiều nhạt nắng, theo địa chỉ, tôi lần đến nhà chị Nguyễn Thị Ninh ở thôn 4, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 2005, chị lập gia đình với anh Ngô Văn Hiệu là người cùng địa phương. Vợ chồng chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống nghèo khó vẫn đeo đuổi. 4 đứa con của anh chị lần lượt chào đời trong ngôi nhà nhỏ tạm bợ, dột nát, được dựng lên trên mảnh đất mượn của người em bên chồng.

uoc-mo-den-truong-cua-2-dua-tre-mo-coi-cha

Không may, trong một vụ tai nạn giao thông năm 2015, người chồng trụ cột của gia đình đã ra đi một cách đột ngột, để lại cho người vợ trẻ 4 đứa con nheo nhóc, đang còn tuổi ăn, tuổi học. Không của cải, nghề nghiệp..., nhà chỉ có chưa đầy một sào ruộng. Người chồng mất, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai của chị. Nhà có tới 5 miệng ăn, mà chỉ mỗi mình chị lao động vì các con còn quá nhỏ.

Đứa con lớn nhất của chị học lớp 5 là Ngô Văn Mạnh (11 tuổi), đứa thứ hai Ngô Thị Mạnh Quỳnh lớp 4 (9 tuổi). Cả hai em đều đang học tại trường Tiểu học Tiên Lộc, năm nào cũng được học sinh khá - giỏi, rất chăm chỉ và nghe lời mẹ. Đứa con thứ ba của chị năm nay mới 3 tuổi, đứa cuối hơn một tuổi nhưng đã bị tim bẩm sinh.

Vừa qua, để chữa trị đứa con nhỏ bị bệnh tim, chị vay mượn bạn bè, người thân, hàng xóm để mổ tim cho con mà chưa biết xoay tiền chỗ nào để trả nợ. Chị chạy ăn từng bữa để có tiền trang trải và cho 2 đứa con đầu đi học. Chị mua chuối, mít trong xóm rồi đưa ra chợ xã để bán kiếm đồng lời, vỏn vẹn ngày mấy chục nghìn. Hai đứa con nhỏ thì chị phải gửi lên nhà ngoại nhờ nuôi, trông giúp cho đỡ khó khăn và để chị tiện đi làm.

Em Ngô Thị Mạnh Quỳnh, con chị Nguyễn Thị Ninh chia sẻ hồi ba còn sống luôn chở em đi học. Giờ thì ba mất nên không ai chở em hết. Hiện Quỳnh chỉ muốn sống với mẹ và chứ không thích đến trại mồ côi. Em rất mong nhận được sự giúp đỡ của các cô, bác, chú để có điều kiện tiếp tục đi học.

Nói chuyện với tôi mà chị Ninh không kìm được nước mắt. Chị nói rằng giờ không còn đất để làm nhà, gia đình thuộc hộ nghèo của xã, tiền phải kiếm từng nghìn đồng mỗi ngày để lo cho con ăn học. Chị vay nợ ngân hàng hơn 10 triệu đồng nhưng chưa trả. Mùa mưa, nhà dột tứ tung, cái bàn làm góc học tập cho 2 đứa trẻ cũng không có. Dù khổ cực nhưng chị cũng gắng gượng được ngày nào hay ngày đó. Chị sẽ cố gắng vì các con.

Tạm biệt chị và gia đình, tôi thương cho số phận của những đứa con của chị. Các em đang thiếu thốn, đói nghèo và rồi con đường đến trường sẽ ra sao? Hiện chiếc giường nhỏ không đủ chỗ cho các con nằm mỗi đêm về và nền nhà là bàn học của các em mỗi khi làm bài tập. Nhìn 4 đứa con nheo nhóc, ngơ ngác của chị Ninh, ai cũng chạnh lòng và nghĩ: "Nếu không có sự chia sẻ của cộng đồng thì với mẹ con chị, con đường phía trước là quá sức gian nan cùng cực, đói khổ".

Lê Thạch Thi

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  873,078       1/790