Giáo dục

Cô học sinh mồ côi mẹ ước mơ trở thành công an

Sớm thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ, mất đi sự khuyên răn, dạy bảo của cha, Diệu Thúy đã vượt khó, học giỏi để nuôi ước mơ trở thành nữ công an giỏi.

Sớm thiếu đi bàn tay chăm sóc của người mẹ, bố lại mắc bệnh về thần kinh, Diệu Thúy một mình lo toan công việc gia đình. Nhưng em vẫn luôn đứng đầu trường về thành tích học tập, tấm gương vượt khó của em thật khiến cho nhiều người cảm phục.

co-hoc-sinh-mo-coi-me-uoc-mo-tro-thanh-cong-an

Năm 2015, mẹ em mắc phải căn bệnh ung thư ác quái, dù được gia đình chữa chạy khắp nơi, trong Nam, ngoài Bắc, nhưng mẹ vẫn không qua khỏi. Mẹ em đã ra đi bỏ lại 2 bố con không nghề nghiệp trong ngôi nhà tồi tàn.

Em là Bùi Thị Diệu Thúy, học sinh lớp 9A trường THCS Nam Thanh, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Tôi tìm đến nhà Diệu Thúy vào một ngày trưa nắng, người dân quanh đây đang vào mùa gặt lúa. Hỏi thăm để tìm được nhà Thúy không khó vì ai cũng đều biết đến hoàn cảnh đáng thương của em. Tôi gặp Bác Trương (người láng giềng sống gần nhà em), tôi có hỏi về gia cảnh nhà em bác nói: “Đây là một hoàn cảnh rất khó khăn trong xã, mẹ mới mất, bố cứ trái gió trở trời lại lên cơn co giật, đập phá đồ đạc… Nghèo, cơ cực lại bệnh tật, khiến cho cuộc sống hai bố con vô cùng khó khăn”.

Diệu Thúy đi học về, em cúi đầu lễ phép chào Bác Trương và tôi. Quãng đường đi từ nhà đến trường không quá xa nên Thúy đều đi bộ đi học, em về nhà mồ hôi ướt lăn dài trên đôi má hồng, hơi thở hổn hển vì mệt. Học xong 5 tiết học, về nhà, Thúy lại tất bật nấu cơm nước cho hai bố con. Bố em mắc căn bệnh hiểm nghèo về thần kinh nên mọi công việc trong nhà Diệu Thúy một tay làm cả. “Lúc khỏe mạnh bình thường thì không sao, nhưng khi bố em lên cơn co giật lại phải nhờ các bác hàng xóm sống xung quanh nhốt bố vào căn phòng kín. Nếu không bố sẽ đánh người và đập phá hết đồ đạc trong nhà”, Thúy kể.

Khi mẹ Thúy còn sống, gia đình em rất hạnh phúc, dù thiếu thốn về vật chất, cuộc sống không được khá giả như những gia đình khác, nhưng trong ngôi nhà ấy vẫn luôn có tiếng cười, có bàn tay chăm sóc lo toan, chở che của mẹ. Giờ đây, mẹ em đã khuất núi đi xa, căn nhà như thiếu đi niềm vui. Thúy vẫn hay nhớ mẹ và khóc từng đêm. Em cứ ngỡ mẹ vẫn đâu đây, vẫn bên cạnh ba bố con em.

Ba em là chú Bùi Danh Huệ năm nay 56 tuổi, mắc căn bệnh động kinh bẩm sinh. Hiếm hoi những lúc như một người bình thường, chú cố gắng sửa xe đạp cho các em trong xóm. Hôm đông khách thì bố của em cũng kiếm được năm - bảy chục nghìn đồng, ngày thường chỉ dăm ba chục, có khi không được nghìn nào. Số tiền kiếm được ít ỏi nhưng lại chi cho việc học của Thúy và hàng tháng đều phải đi lấy thuốc dưới bệnh viện, mua thêm thuốc bổ, an thần. Khó khăn lại thêm chồng chất.

Vì mắc bệnh như vậy nên công việc của ba phải nhờ anh chị em, cô bác hàng xóm làm hộ. Nhà nghèo, khó khăn, nhưng ba chị em Diệu Thúy đều học rất giỏi. Chị đầu vừa ra trường năm nay, may mắn đã tìm được một công việc ổn định dưới thành phố. Chị hai của em hiện theo học ngành Sư Phạm nên học phí cũng không phải lo ngại. Còn Diệu Thúy năm nay đã là học sinh cuối cấp, đường học vấn còn dài.

Khi tôi hỏi em có ước mơ gì cho tương lai, em trả lời: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để thi đỗ vào các trường Công an hoặc Quân đội, hay những trường đại học không phải đóng học phí, vì nhà em không có tiền để theo học các ngành khác ạ”. Nghe đến đây tôi cảm nhận được nghị lực khao khát vượt lên số phận của em.

Chiều cùng ngày tôi đến thăm trường của em. Nhìn qua khung của sổ lớp học tôi thấy Thúy đang chăm chỉ làm bài tập cô giáo giáo cho. Tôi thấy lạ vì một lớp học chỉ có 4 bạn học sinh. Tôi tìm gặp cô giáo chủ nhiệm của em, hỏi ra mới biết các em đang học ôn luyện để tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Gặp cô Trần Thị Kim Oanh (giáo viên chủ nhiệm 4 năm liền của Thúy), kể nhiều điều về cô học trò hiếu học của mình. Bốn năm chủ nhiệm, gắn bó, cô biết rõ hoàn cảnh gia đình em nhất. Diệu Thúy là một cô bé nghị lực, kiên cường và bản lĩnh. Nhỏ nhắn sao với các bạn đồng trang lứa, nhưng tinh thần thực sự phi thường. Ba năm qua em luôn đứng đầu trường về học tập, năm nào cũng là học sinh giỏi toàn diện, cuộc thi học sinh giỏi nào cũng đại diện trường đi thi, kết quả luôn sát sao, năm được giải nhất cấp tỉnh, năm được giải nhì cấp huyện tỉnh…

Không chỉ vậy, phong trào Đoàn, Đội của em cũng xuất sắc. Em là một cô sao đỏ gương mẫu trong trường. Ngoài ra, em cùng các bạn còn tự tổ chức chơi thể thao như đá bóng, cầu lông… Môn thể thao cô bé yêu thích là bóng bàn và bóng đá. Năm lớp 7, lớp 8 Diệu Thúy đã giành giải nhất cuộc thi Hội khỏe Phù Đồng cấp tỉnh môn bóng bàn, và đạt giải nhất cấp huyện môn bóng đá nữ.

Cô Kim Oanh cũng chia sẻ thêm, Diệu Thúy là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, năm nào em cũng tự tay viết những lá đơn xin miễn giảm học phí. Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện giúp em nhận được những suất học bổng tài trợ… Các thầy cô giáo trong trường hàng năm cũng kêu gọi quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm, mong em có tiền để trang trải việc học.

Con đường phía trước của Diệu Huyền còn rất dài nên cần thêm những tấm lòng hảo tâm, chung tay giúp đỡ em. Mong mơ ước trở thành công an của em sẽ sớm trở thành hiện thực, nhờ nghị lực vươn lên không ngừng nghỉ của mình.

Tôi hy vọng với chương trình sẽ giúp đỡ và mang đến cho em Diệu Thúy cơ hội tiếp tục con đường học tập của mình.

Vân Oanh

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.
VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, Dutch Lady


© 2021 FAP
  873,475       1/790