Thấu hiểu hoàn cảnh cũng như những khó khăn của ba mẹ nên Phương đã cố gắng trong học tập với kết quả rất khả quan.
Xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam đi vào lịch sử như một vùng đất anh hùng, và là một trong 3 xã đầu tiên bùng nổ phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre vào những năm 1960. Ngày nay, sau bao năm trở lại vùng quê này, Phước Hiệp đã có nhiều đổi thay, chiến tranh đau thương từng đi qua nơi này, nhưng những con người nơi đây kiên cường đứng dậy, điểm tô bộ mặt mới cho quê hương.
Song đâu đó nơi vùng quê này vẫn còn những gia đình mà trên gương mặt chân chất hằn lên nét lo toan cho cuộc sống. Đến xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, khi hỏi gia đình anh Phạm Văn Bé Hai và chị Nguyễn Thị Rươi có lẽ nhiều người sẽ biết ngay.
Xót xa không phải vì gia đình anh là gia đình khá giá có tiếng trong xã mà vì anh Rươi kiếm sống hàng ngày bằng nghề vác đất thuê, ai kêu gì làm đó nên có lẽ tên anh không quá xa lạ với người dân trong xã. Chị Rươi cũng cần mẫn làm việc kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình bằng nghề cạo hạt điều. Hai vợ chồng anh bươn chải từng ngày và có lẽ với mức thu nhập hàng tháng bếp bênh trên dưới mức 500.000 đồng cho 3 người, anh chị cũng không thể cho phép mình nghỉ ngơi.
Cái nghèo đã đeo bám gia đình anh chị nhiều năm nay, vậy mà bệnh tật cũng không buông tha. Chị Rươi mang trong người căn bệnh tim và cao huyết áp, nhiều ngày thức khuya dậy sớm khiến bệnh tái phát và không thể lao động nặng. Nhiều năm làm nghề vác đất, ngâm mình dưới những dòng kênh, rạch khiến căn bệnh đau nhức hoành hành, nhiều lúc anh Bé Hai không thể đi làm. Anh kể, có ngày người ta kêu đi làm gấp, nhưng sức khỏe yếu, nên anh không thể đi được. Anh ngậm ngùi chấp nhận nguồn thu nhập chính của gia đình bị đứt đoạn mà không thể làm gì khác hơn.
Em Phạm Vũ Phương - con trai anh Bé Hai và chị Rươi đang học lớp 9 trường THCS Phước Hiệp huyện Mỏ Cày Nam. Gánh gia đình nặng trĩu có lẽ giờ đây đang dần chuyển qua đôi vai gầy nhỏ bé và đe dọa cả con đường đến trường của em sau này. Trước nay, với mức thu nhập ít ỏi, hai anh chị đã phải rất cố gắng để lo cho Phương được đến trường dù điều đó không phải dễ dàng gì.
Với căn nhà lá thiếu trước hụt sau, ba mẹ thì hay bị bệnh tật hoành hành, nên Phương rất chia sẻ và thấu hiểu. Em hiểu rằng ba mẹ đã phải dốc hết tâm sức để hàng năm lo cho em những dụng cụ học tập cơ bản để đến lớp. Chiếc cặp của em đang đi học cũng là quà dành cho học sinh vượt khó học tốt của xã.
Mỗi ngày, em đi bộ đến trường dù trời mưa hay trời nắng. Có hôm may mắn em gặp bạn cho đi nhờ, nếu không thì chặng đường đến trường chỉ mình em lầm lũi. Hoàn cảnh gia đình quá khốn khó, em tự ý thức mình chưa thể làm gì nhiều cho ba mẹ đỡ vất vả, nên cũng không dám xin một chiếc xe đạp đến trường. Thiết nghĩ, một chiếc xe đạp với nhiều gia đình có thể không là bao, nhưng với gia đình em, đó là mồ hôi, sức khỏe của ba mẹ và cả sinh hoạt phí của gia đình trong nhiều tháng.
Giữa cuộc sống đầy chật vật, niềm vui của anh Bé Hai và chị Rươi rất giản dị, đó là thấy con có thể đến trường, mỗi ngày có thêm con chữ. Với anh các con học được bao nhiêu chữ thì cuộc sống càng đỡ vất vả bấy nhiêu.
Với Phương, tình thương của em dành cho ba mẹ trở thành động lực cố gắng trong học tập. Kết quả học sinh khá của em phần nào đã giúp ba mẹ em có thêm niềm tin vào tương lai của con mình. Song, nhiều lúc, hai vợ chồng anh Bé Hai đang lo mình phải rơi vào hoàn cảnh lực bất tòng tâm trong chuyện lo cho con đến trường vì vòng luẩn quẩn của cái nghèo, khổ vẫn chưa buông tha.
Liệu ba mẹ Phương sẽ còn có thể chống chọi được trong bao lâu? Con đường đến trường của Phương liệu có quá mong manh, nhất là khi năm sau, em bước vào năm học mới.
Anh Bé Hai, chị Rươi và cả Phương đang từng ngày hy vọng có thể thay đổi được cuộc sống, dù chỉ là một phần nhỏ nhoi. Hy vọng chương trình có thể góp sức nối dài con đường đến trường của Phương.
Trần Kim Dung
VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, Dutch Lady