Giáo dục

Cựu du học sinh chia sẻ kinh nghiệm học tập ở châu Âu

Nâng cao trình độ ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng mềm và chủ động trong học tập là lời khuyên của du học sinh từng học ở châu Âu gửi đến học sinh, sinh viên Việt Nam.

Rất nhiều cựu du học sinh Việt Nam đã có mặt tại hội thảo “Ngày thông tin học bổng châu Âu” hôm 1/10 ở Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm khi sinh sống và học tập ở xứ người. 

Chị Huệ Chi, Trưởng văn phòng đại diện của tập đoàn DuPont ở Hà Nội, cựu du học sinh ngành quản trị kinh doanh ở Hà Lan, chia sẻ dù đã học đại học và đi làm ở Việt Nam, nhưng khi được nhận học bổng MBA ở tuổi 37, chị vẫn rất ngạc nhiên bởi sự chủ động tuyệt vời ở nền giáo dục Hà Lan.

Sự chủ động xuất phát từ mọi phía: nhà trường, giảng viên và đặc biệt là sinh viên. Trường học chủ động đưa sinh viên đến các doanh nghiệp lớn để xem xét thực tế và trực tiếp lắng nghe chuyên gia hàng đầu chia sẻ. Giảng viên là những người đang giữ chức vụ quan trọng ở các tập đoàn, công ty lớn chứ không chỉ đơn thuần là các giáo sư, tiến sĩ chuyên nghiên cứu.

Đặc biệt, sinh viên rất chủ động và phải tự chủ động mới có thể hoàn thành khóa học. Theo chị Chi, ở Việt Nam hầu hết sinh viên coi những gì thầy nói là đúng và ít có sự phản hồi hay tranh luận, nhưng ở Hà Lan thì khác. Sinh viên phải tự tìm hiểu, mở rộng kiến thức để đưa ra ý kiến trên lớp hay trong buổi làm việc nhóm. Điều này giúp sinh viên hiểu sâu và nhớ kiến thức lâu hơn.

cuu-du-hoc-sinh-chia-se-kinh-nghiem-hoc-tap-o-chau-au

Cựu du học sinh Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm học tập ở châu Âu. Ảnh: Thanh Tâm.

Ngoài việc phải chủ động trong học tập, học sinh, sinh viên Việt Nam cần tích cực nâng cao trình độ ngoại ngữ từ trước và trong khi du học. Anh Ngọc Anh, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, cựu du học sinh Đức, cho biết việc nâng cao trình độ ngoại ngữ sẽ giúp săn được học bổng với mức hỗ trợ cao. Dù học ở quốc gia nào của châu Âu, bạn đều phải sử dụng tiếng Anh trong chương trình học và ngôn ngữ của quốc gia đó khi giao tiếp hàng ngày. Việc học song song hai ngoại ngữ khá khó khăn. Anh khuyên sinh viên Việt Nam nên đầu tư học tiếng Anh ngay từ khi có ý định du học để giảm bớt gánh nặng.

Chị Yến Nhi, giảng viên Đại học Hà Nội, cựu du học sinh ở Vương quốc Bỉ nhận định, kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng. Thực tế cho thấy nhiều bạn chưa có khả năng giao tiếp tốt, từ đó không có cơ hội giao lưu, mở rộng quan hệ với bạn bè ở khắp nơi. Các bạn trẻ Việt Nam có ý định du học cần xem lại văn hóa đọc. Con đường du học không dành cho những bạn lười đọc sách, nghiên cứu tài liệu.

Mặc dù phong cách học tập ở châu Âu khác hoàn toàn so với Việt Nam và sẽ đem đến cho sinh viên Việt Nam rất nhiều khó khăn, nhưng tất cả cựu du học sinh có mặt tại hội thảo vẫn khuyến khích các em nộp hồ sơ xin học bổng. Theo anh Trịnh Minh Giang, giám đốc hệ thống trường liên cấp Alfred Nobel, cựu du học sinh tại Đức, châu Âu vừa đáp ứng được nhu cầu học tập trong môi trường chất lượng, chuyên nghiệp, vừa có thể khiến các bạn hứng thú và có thể phát huy cao nhất những khả năng của mình. Là thiên đường ăn, mặc, ở, chơi, không có lý do gì để châu Âu không phải là thiên đường học tập. 

Anh Giang cho biết các hội, nhóm sinh viên ở châu Âu rất mạnh. Do đặc thù di chuyển dễ dàng giữa các nước trong khối liên minh châu Âu nên họ thường xuyên kết nối với nhau. Các hội nhóm sinh viên thường chia sẻ kinh nghiệm học tập cũng như cơ hội việc làm để giúp đỡ các tân du học sinh Việt Nam khi mới đến châu Âu học tập. Đây là thuận lợi để học sinh, sinh viên Việt Nam không bị bỡ ngỡ vì luôn có người đi trước dẫn đường.

Thanh Tâm

VNExpress

du học sinh, châu Âu, sinh viên Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm


© 2021 FAP
  872,928       1/789