Hàng Châu, thành phố du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, vắng lặng khi tiếp đón lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới, bởi giới chức muốn đảm bảo an ninh và môi trường sạch.
Tất cả các đường phố của đô thị 9 triệu dân ở tỉnh Chiết Giang trở nên vắng vẻ, sau khi chính phủ khuyến khích dân chúng tạm thời rời khỏi nơi sinh sống và tăng cường an ninh tại khu vực nơi hội nghị sẽ diễn ra.
Từ thứ bảy, một ngày trước khi hội nghị khai mạc, chỉ có rất ít xe cộ và người qua lại trên phố, các cửa hàng đều đóng cửa, theo Reuters.
Cảnh sát lập chốt bảo vệ tại con đường gần địa điểm hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra. Ảnh: Reuters |
Các công trình xây dựng cũng bị buộc phải ngừng thi công. Điều này là rất hiếm hoi ở một đất nước mà người lao động thường xuyên làm việc suốt ngày đêm.
Hơn 200 nhà máy thép ở các huyện lân cận ngừng sản xuất, do chính quyền muốn hạn chế ô nhiễm trong thời gian đón khách. Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh sẽ kéo dài 2 ngày kể từ hôm nay.
“Lúc này khá là bất tiện. Nhưng bạn có thể hiểu lý do tại sao”, ông Liu Wenchao, một nhà đầu tư bất động sản tại Hàng Châu, cho biết.
“Các lãnh đạo đến từ 20 nền kinh tế lớn đang có những cuộc họp quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh lớn này, và tất cả chúng ta cần phải đảm bảo an ninh cho họ".
Dân chúng Hàng Châu ngó qua cửa sổ quan sát đoàn xe của các nguyên thủ nước ngoài chạy qua thành phố. |
Trung Quốc đang chịu sức ép tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh, sự kiện quan trọng nhất trong năm, củng cố địa vị của một cường quốc thế giới và né tránh các vấn đề gai góc như tranh chấp ở Biển Đông.
Thành phố Hàng Châu, một điểm thu hút khách du lịch, cũng là nơi đặt trụ sở của tập đoàn thương mại khổng lồ Alibaba và các nhà máy dệt may, luyện thép.
Dân cư tại thành phố Hàng Châu kéo nhau rời khỏi thành phố sau khi chính quyền tuyên bố một kỳ nghỉ kéo dài một tuần nhằm phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh. Hồ Tây, một thắng cảnh nổi tiếng của thành phố, được phong tỏa. Chính quyền cũng cung cấp những vouchers du lịch miễn phí có tổng trị giá lên đến 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) để khuyến khích mọi người du lịch tới các địa điểm ngoài thành phố.
Nhiều người lao động nhập cư được khuyến khích trở về quê trong thời gian hội nghị, theo Reuters. Gần đến ngày diễn ra G20, cảnh sát liên tục kiểm tra an ninh trên đường phố, trong khi các đội trị an tình nguyện thực hiện việc tuần tra.
Đội cảnh vệ di chuyển trên đường phố Hàng Châu, nơi diễn ra thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters. |
Công ty tư vấn công nghiệp Mysteel cho biết các nhà máy thép ở những tỉnh lân cận như Giang Tô, An Huy, Sơn Đông và Chiết Giang đã nhận lệnh hạn chế hoặc tạm ngưng sản xuất vì chất lượng không khí đang bị coi là không đủ trong lành.
Vào ngày thứ bảy, chỉ số chất lượng không khí tại Hàng Châu là 76, mức phân loại được coi là "tốt", nhưng còn xa với con số ở Bắc Kinh với mức "xuất sắc" là 25.
"Chúng tôi cần phải cho thấy những gì tốt đẹp nhất, bộ mặt xinh đẹp nhất của Hàng Châu, cho toàn bộ thế giới biết đến", ông Liu nói.
Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu quy tụ lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới và đại diện 8 quốc gia khách mời. Chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề lâu dài của kinh tế thế giới, cũng như các chủ đề gai góc khác như Syria, căng thẳng ở Biển Đông. Bên lề hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama và người đồng nhiệm Nga Putin dự kiến gặp song phương ngày mai.
Trọng Nghĩa
G20, Obama, Putin, Tập Cận Bình, Hàng Châu, Trung Quốc