Thế giới

Mảng tối trong cuộc chiến chống khủng bố ở Đông Nam Á

Sự khác biệt trong chính sách, an ninh biên giới lỏng lẻo và thiếu một thỏa thuận chung là những hạn chế phủ bóng cuộc chiến chống khủng bố ở Đông Nam Á.

mang-toi-trong-cuoc-chien-chong-khung-bo-o-dong-nam-a

Cảnh sát tại hiện trường một địa điểm bị IS tấn công ở thủ đô Jakarta, Indonesia hồi tháng 1. Ảnh: AP

Đầu tháng 8, giới chức Indonesia đã phát hiện và bắt giữ một nhóm khủng bố ở đảo Batam, cách Singapore 15 km về phía Nam trước khi chúng kịp thực hiện âm mưu tấn công Singapore bằng tên lửa.

Sự việc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh trong khu vực, theo Interpreter.

Diễn đàn chống khủng bố tại Bali Indonesia, với sự tham gia của 23 quốc gia mới đây đã đưa ra cam kết tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm an ninh mạng và tài chính xuyên biên giới. Tuy nhiên diễn đàn cũng nhấn mạnh bước tiến chậm chạp của khu vực trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa chung.

Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines, những quốc gia có nguy cơ bị tấn công khủng bố cao, vẫn chưa có sự phối hợp triệt để. Bởi bất chấp mối quan hệ gần gũi về an ninh, những quốc gia này vẫn phải tập trung giải quyết những vấn đề của riêng mình vốn tồn tại dai dẳng hàng thập kỷ qua.

Theo chuyên gia tư vấn về Đông Nam Á, Zubaidah Nazeer có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ thờ ơ này, như vấn đề chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới lỏng lẻo và tình trạng thiếu một thỏa thuận chung cần thiết.

Vấn đề chủ quyền lại luôn bị hạn chế bởi sự khác biệt trong chính sách chung của mỗi nước. Ví dụ, Malaysia, Indonesia và Philippines đã đồng ý thông qua một hiệp ước hàng hải để cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của mỗi quốc gia được vào vùng lãnh hải ở biển Celebes và Sulu để truy bắt các phần tử khủng bố và cướp biển.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 8, hiệp ước này đã không được triển khai nhằm giải cứu một thủy thủ Indonesia bị tổ chức khủng bố Abu Sayyaf bắt cóc. Binh sỹ Malaysia và Indonesia không thể vào vùng biển của Philippines, giáp phía đông Malaysia và Kalimantan của Indonesia, bởi Hiến pháp Philippines cấm các quan chức nước này được tuần tra chung.

Sự khác biệt giữa chính sách các nước trong việc thực thi các thỏa thuận sẽ khiến các nhóm khủng bố như Abu Sayyaf, có nguồn gốc từ khu vực cam kết trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có nhiều "đất" để hành động hơn.

mang-toi-trong-cuoc-chien-chong-khung-bo-o-dong-nam-a-1

Phiến quân Abu Sayyaf đe dọa hai con tin người nước ngoài. Ảnh: IBTimes

Bên cạnh đó, tổ chức an ninh lỏng lẻo hay hoạt động tuần tra biên giới kém hiệu quả cũng là một vấn đề đáng quan tâm ở Indonesia, một quốc gia có đường bờ biển dài nhất trên thế giới.

Lực lượng hải quân Jakarta thường xuyên thiếu tàu tuần tra khiến nhiều quần đảo với địa hình hiểm trở của nước này đã trở thành nơi trú ngụ an toàn của các phần tử khủng bố và các căn cứ huấn luyện của chúng.

Những nhóm khủng bố đang lẩn trốn ở vùng núi Poso (Trung Sulawesi) bị tình nghi chuyển lậu vũ khí qua địa chỉ trung gian ở miền nam Philippines. Ngoài ra, một số phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ (khu vực Tây Bắc Tân Cương, Trung Quốc) đã tìm đường sang được Indonesia và một số từ Thái Lan sử dụng hộ chiếu giả, cho thấy vấn đề kiểm soát xuyên biên giới cần được siết chặt.

Việc chia sẻ dữ liệu sinh trắc học (nhận dạng con người ) của những phần tử khủng bố khét tiếng cũng như của những tên đã bị kết án, được đề cập trong hội nghị ở Bali, có thể giúp giới chức theo dõi được những người đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan an ninh, nhưng không giúp ích nhiều trong việc phát hiện những phần tử vô danh, điển hình như những người Duy Ngô Nhĩ cực đoan.

Cuối cùng, việc thiếu các thỏa thuận chung cho thấy thực tế rằng các quốc gia không có xuất phát điểm giống nhau.

Trong khi một số nước đưa ra cách tiếp cận bài bản và có hệ thống để chống khủng bố, thì một số nước lại không có những chương trình phối hợp tại chỗ. Điều này dẫn đến tình trạng các nước có sự chuẩn bị không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến các nước láng giềng.

Singapore, quốc gia nằm giữa Malaysia và Indonesia, đã nhiều lần cảnh báo công dân về nguy cơ một cuộc tấn công khủng bố xảy ra ở nước này vào bất cứ lúc nào. Chính phủ Singapore đã phải triển khai các biện pháp an ninh đối phó như lắp đặt camera quan sát, huy động các lực lượng đặc nhiệm.

Tuy nhiên những nỗ lực này lại không được kết hợp hoặc hỗ trợ bởi các nước láng giềng có dân số quá lớn, nền chính trị bất ổn hơn, cũng như tình trạng quan liêu nhiều hơn.

"Tất cả những thách thức này đều không dễ để vượt qua, nhưng rõ ràng đã đến thời điểm Đông Nam Á cần làm nhiều hơn nữa để cải thiện sự hợp tác. Ước tính có khoảng 1.000 chiến binh từ khu vực này đã gia nhập IS để chiến đấu ở Syria và Iraq. Bởi họ đã bị đã bị các phần từ trở về chiêu dụ và trở nên cực đoan hơn", chuyên gia Nazeer khẳng định.

Xem thêm: IS nhe nanh sói với Philippines.

Nguyễn Hoàng

VNExpress

Đông Nam Á, khủng bố, Zubaidah Nazeer, Duy Ngô Nhĩ


© 2021 FAP
  2,817,919       1/922